Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ gồm: Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia…
Tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ trưởng đã làm việc với Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập, Ban Biên soạn những đề án để thực hiện chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bàn một số nhiệm vụ cụ thể, nhất là cơ chế chính sách cần có thực hiện Quy hoạch điện VIII và chuẩn bị trước một bước cho việc rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vào năm 2025.
“Sau khi nghiên cứu và xem xét đề xuất của Cục Điều tiết Điện lực, tôi thấy rằng từ nay cho đến năm 2025, còn rất nhiều công việc phải làm. Đặc biệt, ban hành các văn bản để cụ thể hóa những cơ chế chính sách và điều kiện để có thể thực hiện được Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra còn cần rà soát, xem xét điều chuyển Quy hoạch điện VIII vào năm 2025”- Bộ trưởng chỉ rõ và cho rằng, mục tiêu đặt ra là sẽ xây dựng, hoàn thiện thị trường điện Việt Nam một cách hoàn thiện và đầy đủ cả thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh. Hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức, triển khai xây dựng các cơ chế chính sách, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng nói chung và phát triển điện lực nói riêng và để triển khai thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Để triển khai thành công một số nhiệm vụ cấp bách của Bộ Công Thương trong các năm 2024-2025, cần thiết xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong khuôn khổ nhiệm vụ trước mắt, theo nguyên tắc tránh đan xen công việc giữa các đơn vị đối với các nhóm nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách bao trùm phát triển ngành điện về xây dựng Luật Điện lực sửa đổi và xây dựng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi.
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách phát triển các loại hình nguồn điện về xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá đề phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời mái nhà và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG, cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện và cơ chế chính sách để thúc đẩy nhập khẩu điện, đặc biệt từ Lào thông qua các Hiệp định, biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ.
Thứ ba, nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, hydro... và nghiên cứu phương án dừng hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Thứ tư, nhóm nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách về thị trường điện, giá điện, than, khí, bao gồm xây dựng khung giá cho các loại hình phát điện; thực hiện cơ chế DPPA; hoàn thiện cơ chế giá truyền tải và cơ cấu biểu giá điện hiện hành; xây dựng giá điện hai thành phần và nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường cạnh tranh đối với than, khí.
Thứ năm, nhóm nhiệm vụ liên quan đến việc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng: Nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề ra cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích các chủ thể từ khâu khai thác khí đến khâu mua điện đối với các chuỗi dự án khí điện. Nghiên cứu, rà soát, đánh giá, ban hành cơ chế, chính sách về các dự án than, khí đảm bảo cung cấp than, khí cho phát điện ổn định, dài hạn với giá cạnh tranh, minh bạch.
Thứ sáu, các nhiệm vụ khác liên quan đến xử lý dứt điểm các tồn tại đã được nêu tại các Nghị quyết, kết luận kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán,... và rà soát tổng thể để bổ sung và triển khai thực hiện Lộ trình xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn ngành Công Thương đã được phê duyệt; kịp thời xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ phát triển các loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Thứ bảy, các nhiệm vụ liên quan đến kiến nghị của cấp thẩm quyền về sửa đổi, bãi bỏ, ban hành mới các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ khuyến khích các dự án điện trong đó có giá FIT.
Nêu về các nhiệm vụ cụ thể, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, nhóm nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách để khuyến khích và bảo đảm phát triển điện lực và năng lượng tái tạo; đấu giá, thấu thầu lựa chọn chủ đầu tư; chính sách thúc đẩy nhập khẩu điện và chủ trương mua bán điện nước ngoài; chuyển đổi nhiên liệu do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì.
Nhóm nhiệm vụ liên quan đến đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế chính sách đã ban hành về cơ chế khuyến khích/hỗ trợ phát triển (trong đó có cơ chế giá FIT) của các dự án sử dụng chất thải rắn, sinh khối, điện gió và điện mặt trời do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì.
Nhóm nhiệm vụ liên quan hoạt động điều tiết điện lực: Hệ thống điện, giá điện (phương pháp xác định giá điện, giá các dịch vụ về điện và ban hành khung giá phát điện), thị trường điện: Cục Điều tiết Điện lực chủ trì.
Nhóm nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chiến lược phát triển thị trường cạnh tranh đối với dầu, khí, than và các dạng năng lượng khác: Vụ Dầu khí và than chủ trì.
Nhóm nhiệm vụ liên quan sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững: Vụ Tiết kiệm và Năng lượng phát triển bền vững chủ trì.
Đáng chú ý, có 9 nhóm nhiệm vụ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện: Nghiên cứu, khảo sát về các diều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sáng triển khai khi được cấp thẩm quyền giao chủ đầu tư; Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về hệ thống lưu trữ năng lượng, nhà máy điện linh hoạt; Nghiên cứu tính toán và rà soát, đề xuất khung giá cho các loại hình phát điện (thuỷ điện nhỏ, thuỷ điện tích năng, thuỷ điện mở rộng, nhiệt điện khí, LNG, điện chất thải rắn, điện sinh khối, xuất nhập khẩu điện, điện gió, điện mặt trời) và khung giá nhập khẩu điện; Nghiên cứu tính toán và đề xuất khung giá (hoặc giá) cho một số loại hình mới như pin lưu trữ, nhà máy điện linh hoạt; Nghiên cứu tính toán và đề xuất giá truyền tải; Nghiên cứu hoàn thiện Đề án xây dựng hệ thống giá bán điện hai thành phần (Giá công suất và giá điện năng) và lộ trình áp dụng cho ngành điện Việt Nam; Đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh, làm cơ sở thúc đẩy tái cơ cấu ngành điện, phục vụ phát triển thị trường điện hiệu quả; Đề án dừng hoạt động Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình; Đề án thí điểm chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng ammoniac, sinh khối.
Khẩn trương hoàn thành các nhóm nhiệm vụ, muộn nhất trong quý IV
Đánh giá cao báo cáo đã chỉ ra đúng tinh thần, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị để thực hiện Quy hoạch điện 8, tuy nhiên, Bộ trưởng gợi ý, báo cáo cần nêu rõ công việc cụ thể; bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ và gắn trách nhiệm từng đơn vị chức năng; giao nhiệm vụ không bị cắt khúc, theo chuỗi; làm rõ đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm, mỗi việc chỉ 1 đơn vị làm, còn đơn vị khác phối hợp; bổ sung thêm đơn vị chịu trách nhiệm như: Vụ Pháp chế, Cục An toàn môi trường và kỹ thuật công nghiệp, Vụ Dầu khí, PVN, TKV.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng cũng gợi ý thảo luận những cơ chế chính sách cụ thể nào cần thực hiện trong quý III, quý IV. Cụ thể, để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII và phát triển nguồn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần thực hiện sớm 5 cơ chế chính sách phát triển nguồn như: Cơ chế chính sách lựa chọn nhà đầu tư; ban hành khung giá của các loại hình điện năng; cơ chế khuyến khích phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi; cơ chế chính sách cho nguồn năng lượng mới như pin lưu trữ; cơ chế chính sách phát triển khí hydrozen và amoniac.
Về cơ chế chính sách để chuyển đổi nguồn: Một là là cơ chế chính sách để chuyển đổi nhiên liệu từ nhà máy than sang amoniac; hai là cơ chế xử lý đối với các dự án điện than mà các dự án chậm tiến độ.
Cơ chế phát triển hệ thống truyền tải: Cần phải ban hành trong quý III, quý IV. Thứ nhất, cần tách bạch giá và phí truyền tải trong giá thành điện năng. Thứ hai, cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải. Thứ ba, bổ sung trong Luật Điện lực và đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch để có Quy hoạch phát triển điện tỉnh, thành phố.
Về thị trường điện: Có 5 cơ chế giá phải ban hành: Một là rà soát sửa đổi bổ sung hoàn thiện khung giá mua bán điện theo khung giờ; 2 là xây dựng ban hành giá điện 2 thành phần; 3 là giá và phí truyền tải; 4 là giá điện mặt trời áp mái vượt cung cầu sử dụng của các hộ gia đình, cơ quan doanh nghiệp; 5 là cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc.
“Những nội dung chính sách cụ thể trên phải thực hiện trong quý III, chậm nhất là quý IV. Các nhóm nhiệm vụ tiếp tục đề xuất chính sách để báo cáo”- Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Tại cuộc họp, các Cục, Vụ và các doanh nghiệp cũng tham gia đóng góp ý kiến, đồng thời cùng thống nhất với các quan điểm của kế hoạch. Ngoài ra, các đơn vị cũng cam kết phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tiến độ các nhóm nhiệm vụ được giao.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thứ nhất thống nhất cao ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong năm 2024 và 2025 để thực hiện được Quy hoạch điện VIII được duyệt và phát triển nguồn năng lượng mới đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, Kế hoạch sẽ có 8 nhóm nhiệm vụ, 3 quan điểm khi giao việc: Làm có tính hệ thống, đồng bộ; mỗi việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì, các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp; thực hiện nghiêm khi được giao việc chứ không chuyển chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của đơn vị mình sang đơn vị khác.
Trách nhiệm thuộc về 10 đơn vị, bao gồm (6 đơn vị chức năng thuộc Bộ: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng; Cùng 3 đơn vị liên quan: EVN và các đơn vị thành viên, PVN và các đơn vị thành viên, TKV và các đơn vị thành viên).
Thứ ba, giao từng đơn vị chủ trì phải đề xuất được chính sách cụ thể trong quý III, quý IV năm nay và số còn lại phải ban hành trong năm 2025. Đề nghị đơn vị đề xuất chính sách cụ thể phải đề xuất được trước ngày 15/7 mang tính hệ thống, xuyên suốt. Trước mắt, triển khai 16 cơ chế chính sách đã được Bộ trưởng đưa ra tại cuộc họp này (hoàn thành muộn nhất trong quý IV năm nay).
Thứ tư, yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập của Luật Điện lực tiếp thu tinh thần của Hội nghị này để rà soát bổ sung vào Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi. Với tinh thần chung là thực hiện theo cơ chế thị trường đầy đủ.
Thứ năm, đề nghị trong quá trình thực hiện, chú ý đơn vị chủ trì phải làm đúng, làm hết trách nhiệm, các đơn vị phối hợp cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình và chú ý khai thác trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực được giao nhiệm vụ. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Theo Congthuong.vn