Thứ Sáu, 22/11/2024 01:09:44 GMT+7
Lượt xem: 7530

Tin đăng lúc 03-01-2015

Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2015

Sáng 31/12, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị.
Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2015
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị.

Những kết quả đáng khích lệ

 

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ngụyễn Cẩm Tú cho biết: Năm 2014, cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế thế giới phục hồi chậm, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước; cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hoá toàn cầu ngày càng gay gắt; bất ổn về chính trị ở một số khu vực thế giới, tác động bất lợi đến quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam. Trong khi đó, kinh tế nước ta chuyển dịch còn chậm, ách tắc của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chưa được tháo gỡ... Những yếu tố trên đã có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, do triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, cùng với đó là sự quyết liệt trong điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành công thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Theo đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,6% (cao hơn so với mức tăng 5,9% của năm 2013). Giá trị gia tăng công nghiệp ước tăng khoảng 7,14% (cao hơn mức 5,4% của năm 2013). Trong đó, sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao (tăng trưởng trên 20%) như: dệt may, da giầy, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, vượt 3,16 điểm % so với kế hoạch (kế hoạch là 145,4 tỷ USD), tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với hơn 18 tỷ USD). 23 nhóm hàng có KNXK trên 1 tỷ USD. Xuất siêu năm 2014 ước 1,984 tỷ USD, trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD, nếu kể cả dầu thô khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu khoảng 17 tỷ USD.

 

Tại thị trường trong nước, cân đối cung cầu hàng hóa, kể cả hàng thông dụng và hàng thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, không để xảy ra tình trạng sốt giá, sốt hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai tích cực cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

 

Đại biểu tham dự hội nghị.

 

Bên cạnh đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đều bảo đảm thực hiện đúng sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhất quán đường lối chủ động hội nhập, tiếp cận hội nhập toàn cầu và hội nhập khu vực với tầm nhìn chiến lược; bảo đảm lợi ích của đất nước trong ngắn hạn, cũng như dài hạn, thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế của ta, vừa mở thêm được thị trường, vừa khẳng định được vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực. Các hiệp định kinh tế, thương mại đã ký từng bước đi vào thực thi đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho khai thác để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, cho thu hút đầu tư...

 

Năm 2014, các doanh nghiệp, trực thuộc Bộ, địa phương đã không ngừng nỗ lực, đóng góp chung vào thành tựu của ngành Công Thương. Năm 2015, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đại diện các đơn vị đã kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 

Kiến nghị từ thực tiễn

 

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

 

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị liên Bộ Công Thương – Tài chính nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ sửa đổi quy định tại điều 37 (Nghị định 83) về chi Quỹ bình ổn xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh không mất vốn. Trước mắt, cho phép thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắt từ quỹ bình ổn. Thứ hai, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với tổng đại lý, thương nhân phân phối, đại lý có nhiều điểm bán…là tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc thiết lập hệ thống phân phối, ký kết hợp đồng bán hàng theo Nghị định 83 cho năm kế hoạch 2015 của tập đoàn với khách hàng gặp không ít khó khăn. Nhằm đơn giản hóa và giảm thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng CNTT trong việc đăng ký phê duyệt và cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Thứ ba, theo quy định hiện nay về sở hữu hàng hóa, hạch toán doanh thu, chiết khấu, hoa hồng đối với đại lý và tổng đại lý nếu thực hiện theo quy định là ít khả thi do tính chất mặt hàng và mạng lưới kinh doanh. Nếu doanh nghiệp buộc phải thực hiện sẽ gia tăng chi phí rất lớn vì phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ trong việc giám sát tới tận đại lý, tổng đại lý chưa kể sẽ dễ sinh ra tiêu cực. Liên Bộ cần nghiên cứu xem xét quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh, tăng cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng.

 

Đối với ngành Điện, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA cho EVN để hoàn thành các dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa và triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Bộ Công Thương đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo kế hoạch vào vận hành năm 2015 và được đưa vào cân đối cung cấp điện 2015.

 

Còn ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ đề xuất các giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại trong năm 2015. Cụ thể: Kiểm tra, ra soát chặt các đơn vị xuất nhập khẩu, tránh tình trạng gian lận trong kê khai hàng xuất nhập khẩu nhằm mục đích trốn thuế. Tất cả các loại hàng nhập khẩu không qua khai báo Hải quan hoặc đang lưu giữ trong các kho hay đang vận chuyển trên đường nếu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp phải được xử lý theo quy định của pháp luật; thứ ba, các ngành như hải quan, quản lý thị trường, công an, thuế. Các cấp, các ngành phải xem công tác chống buôn lậu là trong nhiệm vụ trong tâm, cấp bách…

 

11 nhiệm vụ trọng tâm

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Dù đạt được những kết quả khả quan nhưng toàn ngành Công Thương không được chủ quan,  thỏa mãn; phải thấy được những yếu kém của ngành như: Sản xuất còn nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng tỷ lệ tồn kho cao; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được quan tâm đúng mức; thị trường nội địa phát triển chưa đồng đều, vững chắc; hệ thống bán buôn bán lẻ còn yếu kém; điều hành thị trường còn lúng túng, công tác mở rộng thị trường còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa đổi mới, sắp xếp, chưa tiến hành cổ phần hóa…

 

Đây là những hạn chế cần nỗ lực giải quyết trong năm 2015 và những năm tiếp theo  ", Bộ trưởng chỉ rõ.

 

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, năm 2015, ngành Công Thương phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ sau:

 

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tìm mọi giải pháp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư các công trình điện đảm bảo đúng tiến độ, nâng cao năng lực sản xuất năm 2015 và những năm tiếp theo.

 

Thứ 2, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó quan tâm tới phát triển cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: Nông, lâm, thủy sản, dệt may, đồ gỗ…

 

Thứ ba, tiếp tục các biện pháp đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa.

 

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn tái cơ cấu với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Thứ năm, kiên quyết thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than…

 

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa nạn hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 

Thứ bảy, đẩy mạnh thực hiện các đề án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải lĩnh vực kinh doanh chính, đảm bảo kế hoạch Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương giai đoạn 2014 – 2015. Bên cạnh sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp còn cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp, trong đó có các cơ sở đào tạo, bệnh viện, cơ sở sản xuất thủ công…

 

Thứ tám, tiến tới ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã hoàn tất đàm phán về kỹ thuật trong năm 2014 đồng thời thực hiện tốt các hiệp định đã ký, chủ động thực hiện những cam kết trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào 31/12/2015.

 

Thứ chín, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chống quan liêu phiền hà trong thực thi công vụ.

 

Thứ mười, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng trong ngành Công Thương.

 

Mười một, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trong các lĩnh vực ngành Công Thương được giao quản lý.

 

Nhóm phóng viên Thời sự

Baocongthuong.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang