Chủ Nhật, 24/11/2024 15:52:36 GMT+7
Lượt xem: 2352

Tin đăng lúc 19-07-2018

Bộ Tài chính: Nửa đầu năm 2018, mặt bằng giá xăng dầu đã tăng 7,5-17,9%

6 tháng đầu năm 2018, mặt hàng xăng dầu đã có 12 đợt điều hành, so với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước tăng từ 7,5%-17,9%.
Bộ Tài chính: Nửa đầu năm 2018, mặt bằng giá xăng dầu đã tăng 7,5-17,9%

Sáng ngày 18/7, tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, đại điện Bộ Tài chính cho biết, do giá dầu thô và giá xăng dầu thành phầm trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm đã gây áp lực lên giá xăng dầu trong nước.

 

Theo Bộ Tài chính, nhằm hạn chế mức độ tăng giá các mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các đợt điều hành trong 6 tháng đầu năm với mức chi sử dụng từ 31-1.425 đồng/lít,kg tùy mặt hàng.

 

"Theo đó trong 6 tháng đầu năm 2018, mặt hàng xăng dầu đã có 12 đợt điều hành; So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước tăng từ 7,5%-17,9%", báo cáo cho hay.

 

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mặt hàng xăng RON95 đã bắt đầu được Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố và điều hành giá vào ngày 23/4/2018. Từ thời điểm đó đến hết ngày 22/6/2018, mặt hàng xăng RON95 có 05 đợt điều hành, trong đó 02 đợt điều chỉnh tăng giá, 2 lần giữ ổn định giá và 1 lần điều chỉnh giảm giá.

 

Liên quan tới điều hành giá xăng dầu, trong 6 tháng cuối năm, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

 

Bộ Tài chính cũng thông tin, mặt bằng giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm biến động theo hướng tăng tương đối cao trong hai tháng đầu năm, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng trở lại trong ba tháng tiếp theo. So với tháng trước, CPI tháng 1 tăng 0,51%, tháng 2 tăng 0,73%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 tăng 0,08%, tháng 5 tăng 0,55%, tháng 6 tăng 0,61%; Bình quân CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

 

Một số yếu tố làm gia tăng sức ép lên mặt bằng giá mang tính quy luật hàng năm và đã nằm trong dự báo như giá cả một số mặt hàng tăng cao vào dịp lễ, Tết và nhanh chóng giảm trở về bình thường trong thời gian sau Tết; giá điện nước lũy tiến tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng vào các thời điểm nắng nóng; giá một số dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng trong các tháng cao điểm du lịch.

 

Ngoài ra, trong hai tháng gần đây, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới, giá gạo tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; giá thịt lợn có xu hướng hồi phục và hiện đang ở mức cao; giá gas liên tục tăng trong 2 tháng gần đây theo diễn biến giá thế giới.

 

"Đáng chú ý, các nhân tố gây tăng giá trong nửa đầu năm đều xuất phát từ yếu tố thị trường, trong khi về cơ bản hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

 

Theo Bộ Tài Chính, 6 tháng đầu năm lũy kế 6 tháng thu từ dầu thô ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2017; giá dầu thô thanh toán bình quân 6 tháng khoảng 71 USD/thùng, tăng 21 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng 6 tháng ước đạt 6,2 triệu tấn, bằng 55% dự toán, bằng 91% cùng kỳ năm 2017.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang