Ngày cuối tuần, thay vì cho con đi chơi phố hay đi xem phim như thường lệ, chị Lê Thị Huyền ở Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dẫn các con lên vườn rau của gia đình trên sân thượng để các con học cách trồng, chăm sóc, tưới tắm cho cây cối, coi như cho con học kỹ năng sống.
Chị chia sẻ, gia đình đã trồng rau trên sân thượng được 6 năm nay, trong sáu năm đó chị không phải ra chợ mua rau bởi vườn rau rộng hơn 60m2 trên sân thượng đã thừa đủ cung cấp cho gia đình ăn hàng ngày, thậm chí còn được ăn một vài loại hoa quả sạch được thu hái từ vườn rau trên sân thượng của nhà.
Chị kể, ngày trước tự mày mò trồng rau nên thấy cái gì có thể trồng rau vào được là trồng. Ví như chị thường đi mua thùng xốp, khay nhựa rồi về xếp chúng la liệt trên sân thượng để trồng đủ các loại rau từ cây ăn quả đến rau ăn lá, rau gia vị. Song, do sân thượng nắng chiếu cả ngày nên khay nhựa hay bị giòn vỡ, dùng được thời gian là hỏng.
Để cải tạo lại toàn bộ vườn rau, đầu năm nay vợ chồng chị quyết định làm vườn thật kiên cố, đảm bảo bền đẹp nên đã thuê thợ đến tư vấn, thiết kế để xây bồn (xây thành luống) trồng rau trên toàn bộ khu sân thượng rộng 60m2 của nhà.
“việc này khá phức tạp vì còn liên quan đến chống thấm cho trần, rồi hệ thống thoát nước cho bồn trồng rau nên chi phí không hề rẻ một chút nào”. Chị Huyền nói và cho biết, sau khi chống thấm, xây bồn, ốp gạch ở bên ngoài cho đẹp… chị tốn khoảng 65 triệu đồng.
Nhưng đổi lại, vườn rau giờ nhìn đẹp, nhìn ngăn nắp và sạch sẽ. Con cái có thể lên vườn rau chơi đùa, học cách chăm sóc rau. Vườn này có độ kiên cố và bền chắc, sử dụng hàng chục năm không hỏng.
Bên cạnh đó, các loại rau trồng trong bồn xây cũng tốt hơn trồng trong thùng xốp hoặc khay nhựa, lúc cải tạo đất trồng cũng dễ dàng hơn rất nhiều, chị Huyền chia sẻ.
Cũng chọn cách làm tương tự, chị Đặng Việt Trinh ở Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) khoe, chị đã bỏ ra 85 triệu đồng để xây bồn, làm giàn trồng rau trên sân thượng.
Tuy nhiên, để đầu tư được một vườn rau sạch bằng chậu nhựa ghép hay xây bồn sẽ tốn khá nhiều tiền
Theo chị Trinh, mỗi loại vườn có một ưu điểm khác nhau. Ngày trước chị dùng khay nhựa để trồng rau thấy giá rẻ nhưng không bền, nhìn cũng không đẹp mắt. Còn vườn rau bây giờ sau khi hoàn thiện xong chi phí tốn gấp cả chục lần nhưng vợ chồng chị lại khá hài lòng. Bởi vườn rau được trồng thành những luống thẳng hàng, vuông góc rất gọn gàng, sạch sẽ.
Nhiều người bảo làm vậy sợ thấm trần nhà, ảnh hưởng đến chịu lực. Song, khi thuê thợ đến thiết kế, họ đã xử lý chống thấm, vườn xây cũng dựa trên tính toán sức chịu đựng của móng nhà. Ngoài ra, phía thành của bồn trồng rau cũng có những lỗ để thoái nước ra ngoài cực kỳ tiền lợi. Theo đó, chị đã thực hiện trồng rau trên khu vườn này được khoảng gần một năm nay mà không thấy các hiện tượng đáng lo trên, chị Trinh cho hay.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Luận, nhân viên tại một đơn vị chuyên nhận thiết kế và thi công vườn rau sân thượng ở Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, người thì trồng vào thùng xốp, người thì trồng vào khay nhựa, có người trồng vào chậu, thùng sơn, thậm chí cả can dầu ăn, vỏ hộp sữa đã sử dụng hết cũng được tận dụng để trồng rau sạch. Do đó, làm được vườn rau trên sân thượng với những vật liệu trên thường khá rẻ.
Đơn cử như nếu tự đi mua thùng xốp về hay sử dụng những vật dụng bỏ đi của gia đình trồng rau thì tiền chi phí đầu tư chỉ hết vài trăm ngàn. Còn nếu trồng vào khay nhựa thì số tiền cũng chỉ hết vài triệu, làm giàn trồng rau thì số tiền bỏ ra tầm chục triệu tùy vào diện tích và cách thiết kế vườn.
“Tuy nhiên đối với những gia đình giàu có, họ thường đầu tư cả trăm triệu hoặc hơn để làm những vườn rau trên sân thượng chẳng khác nào công viên rau xanh”, anh Luận nói.
Theo anh Luận tiết lộ, giới nhà giàu ở Hà Nội hay áp dụng kiểu vườn xây bồn, kiểu chậu nhựa ghép vì làm hai kiểu này khi hoàn thiện vườn nhìn kiên cố và đẹp.
“Hôm rồi tôi vừa hoàn thành vườn rau cho một gia đình ở Tây Hồ, diện tích vườn là 180m2 được chủ nhân yêu cầu chia làm 2 phần, một phần là xây bồn thành những ô, luống, một phần là sử dụng chậu nhựa ghép vào với nhau để nếu cần thiết thì có thể tiện di chuyển”.
“Khi hoàn thiện xong, tính ra chi phí của khu vườn hết gần 200 triệu. Sau đó, chủ nhân chỉ việc mua giống rau về trồng theo ý thích của mình”, anh Luận nói.
Bảo Phương/vietnamnet