Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhiều chỉ số về sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều đạt kết quả cao hơn quý trước và cao hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước.
GRDP 6 tháng tăng trưởng gần 11%, cao gấp 1,3 lần so với quý I và gấp gần 3 lần so với bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,6% (quý I tăng 14,9%; cả nước giảm 0,7%; xếp thứ 1 trong Vùng và thứ 2 cả nước).
Kim ngạch xuất khẩu của Bắc Giang tăng 5,1% (cả nước giảm 10,6%; xếp thứ 6 trên cả nước, thứ 2 trong Vùng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,4% (cả nước tăng 10,4%; thứ 3 trong Vùng) .
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 31,4% (cả nước tăng 0,2%); Thu hút đầu tư gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm nhìn chung bảo đảm tiến độ đề ra.
Tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang chiều ngày 14/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương ông Nguyễn Hồng Diên nhận định: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Bắc Giang có thể khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xuất nhập khẩu thời gian tới với 8 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, trong công tác quy hoạch, tỉnh Bắc Giang là một trong số ít địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh từ sớm (đầu năm 2022). Tuy nhiên từ đó đến nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia (trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các dự án đầu tư (nhất là các dự án trọng điểm), Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang chỉ đạo khẩn trương rà soát, nghiên cứu, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tỉnh; chủ động đề xuất hoàn thiện quy hoạch vùng trên cơ sở tích hợp chủ trương, định hướng của quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, đặc biệt là 4 quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, để làm cơ sở cho triển khai các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời gian tới.
Đồng thời, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành địa phương để sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án trọng điểm vùng, địa phương trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và công nghiệp, thương mại, logistics.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý tiên tiến để khai thác được các thế mạnh.
Tập trung nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các vấn đề về đất đai, lao động, hoàn thuế, tiếp cận vốn, phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường và các thủ tục hành chính.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản xuất kinh doanh và thu được kết quả bền vững.
Thứ ba, hiện Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh (UK) và một số thị trường nhập khẩu lớn của nước ta đang tiếp tục đưa ra những quy định mới, những hàng rào kĩ thuật về sản xuất carbon thấp; hay hạn chế nhập khẩu các sản phẩm khai thác từ rừng, từ biển bất hợp pháp; cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu;...
Bộ trưởng đề nghị tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các địa phương trên địa bàn nhận diện đúng để ứng phó với các vụ kiện thương mại, có phản ứng chính sách phù hợp nhằm khắc phục tác động của rào cản kĩ thuật tại thị trường xuất khẩu.
Tập trung đề xuất để được áp dụng cơ chế thí điểm phát triển điện mặt trời mái nhà không nối lưới. Hỗ trợ các địa phương sản xuất, xuất khẩu chính ngạch.
Thứ tư, sắp tới, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam nói chung và đặc biệt là các địa phương như Bắc Giang nói riêng.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Bắc Giang quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bao gồm cả giao thông, điện, nước, nhà ở công nhân, dịch vụ xã hội...; công tác đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ người lao động, các chuyên gia kinh tế.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường đào tạo nghề, tỉnh cần có chỉ đạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp "đặt hàng" các cơ sở đào tạo theo đúng nhu cầu, vậy mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bắc Giang cũng cần quan tâm đầu tư phát triển logistics phục vụ sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu của doanh nghiệp FDI trên cơ sở khai thác lợi thế về các trục kết nối giao thông của địa phương.
Thứ năm, nguồn lực tại địa phương để đầu tư hạ tầng trọng điểm về kinh tế - xã hội chủ yếu là khai thác từ đất đai (bao gồm cả đất nhà ở, đất công nghiệp, đất dịch vụ); nguồn từ vượt thu ngân sách nhà nước.
Do đó, tỉnh cần tập trung gỡ khó cho các dự án giao thông trên địa bàn, các dự án bất động sản hiện hữu và triển khai dự án mới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại những khu vực phát triển mới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4. Tiếp tục xốc lại kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành ở tất cả các cấp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Bắc Giang tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm phát triển thị trường trong nước trên cả 2 kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử, đồng thời chú trọng xuất khẩu vào các thị trường, bao gồm các thị trường truyền thống và thị trường mới, có tiềm năng trên cơ sở Đề án xuất khẩu chính ngạch.
Thứ bảy, chú trọng thúc đẩy và có cơ chế ràng buộc để các doanh nghiệp FDI tăng cường sức lan toả đối với khu vực doanh nghiệp trong nước; ở chiều ngược lại cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ tám, duy trì chế độ thông tin hai chiều giữa tỉnh và Đoàn công tác của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông cả trong và ngoài tỉnh để tạo sự thống nhất và đồng thuận sâu rộng; lan toả kinh nghiệm của Bắc Giang đến các địa phương trên cả nước trong thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo DiendanDN