Thứ Sáu, 22/11/2024 04:32:37 GMT+7
Lượt xem: 2808

Tin đăng lúc 28-01-2017

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thời điểm khó khăn nhất đã qua

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ trước thềm năm mới Đinh Dậu về cảm nhận của mình sau 9 tháng ở vị trí lãnh đạo ngành công thương, một ngành được cho là có nhiều vấn đề rất “nóng” trong năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thời điểm khó khăn nhất đã qua
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Sau 9 tháng ở vị trí người đứng đầu ngành công thương, xin Bộ trưởng cho biết những cảm nhận của ông?

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 9 tháng qua, tôi cho rằng đâu đó đã có những âu lo, quan ngại về tính kế thừa và sự chủ động bám sát, nắm bắt và thực hiện hết năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ mới. Thế nhưng, đến thời điểm này, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào vì đã có một sự kết nối rất chặt chẽ, xuyên suốt cả theo chiều ngang và theo chiều dọc giữa các thành viên Chính phủ mới và các thành viên nhiệm kỳ trước. Có thể thấy, Chính phủ mới đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, năng động và thực hiện tốt yêu cầu của một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.

 

Tuy nhiên, tại thời điểm chuyển giao sự lãnh đạo trong Bộ Công Thương đã xảy ra sự cố về môi trường, thiên tai mà hậu quả của nó tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội, rồi những bất ổn trên thế giới, những tồn đọng trong các mô hình chính sách, trong quản lý Nhà nước và trong các dự án, đặc biệt là dự án của các DN Nhà nước (12 dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"- PV) đã đặt ra nhiều vấn đề bề bộn cho Chính phủ, cho nhiều Bộ trưởng khác, trong đó có cá nhân tôi.

 

Thế nhưng thật đáng mừng là cũng tại thời điểm đó, sự chỉ đạo kịp thời xuyên suốt của lãnh đạo các cấp cùng sự chia sẻ, động viên của bạn bè, đối tác đã cho chúng tôi sự tự tin để triển khai công việc.

 

Đến nay, có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất với những người đảm nhận công việc mới đã qua và ít nhiều, tôi cũng như các thành viên Chính phủ khác đã có điều kiện nhìn lại để đánh giá về hiệu quả, chất lượng công việc đã triển khai. Quan trọng hơn, chúng tôi - những thành viên của Chính phủ mới - luôn có sự sẻ chia với nhau trong công việc về những chính sách, biện pháp đã, đang và sẽ triển khai.

 

Hiện tại, tôi cảm thấy hoàn toàn tự tin để có thể làm tốt công việc trong năm 2017 và trong những năm tới.

 

Bộ trưởng từng nói điều làm ông lo lắng nhất khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Công Thương là công tác xây dựng thể chế. Tại sao lại như vậy thưa ông?

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói chí lý rằng đây là “món nợ thể chế” của ngành công thương đối với cộng đồng DN. Bởi, chính sách và pháp luật là do chúng ta xây dựng, chứa đựng cả yếu tố tích cực, tiến bộ và cả những yếu tố lạc hậu, thậm chí là bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của DN. Chính sách cần phải luôn được hoàn thiện.

 

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những “bài học xót xa, cay đắng” từ thực tiễn, từ những bất cập mà những Thông tư 20, Thông tư 37 hay Thông tư 07 gây ra cho DN, khiến DN bức xúc đến nỗi phải kêu cứu. Điều này khiến tôi rất trăn trở.

 

Vì vậy, ý thức về trách nhiệm của mình trong vấn đề thể chế, chính sách, chúng tôi đã bãi bỏ Thông tư 37; ban hành Thông tư 36 thay thế Thông tư 07; Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chuẩn bị được ban hành hay hàng loạt lĩnh vực khác về khai báo hóa chất và mới đây nhất là chúng tôi ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo… Tất cả đều là biện pháp trong quá trình hoàn thiện thể chế của Bộ Công Thương.

 

Năm mới đến Bộ trưởng sẽ tiếp tục chương trình “hoàn thiện thể chế”?

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tất nhiên! Như tôi đã nói, quản lý Nhà nước cần phải được đổi mới trên tinh thần vận động, phát triển của thế giới, của công nghệ, của xu thế hội nhập toàn cầu. Vì vậy, công tác quản lý Nhà nước cũng phải được rà soát, đánh giá và đổi mới kịp thời.

 

Sang năm mới, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới thể chế, nâng cao, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng bộ hóa bằng cải cách hành chính, giảm thiểu bớt đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt, Bộ sẽ chú trọng vào công tác xây dựng Chính phủ điện tử để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thông thoáng và thuận lợi hơn cho DN, người dân.

 

Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt chương trình hành động rất cụ thể cả về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, tái cơ cấu Bộ Công Thương. Mới đây nhất, cuối tháng 12/2016, Bộ Công Thương đã chính thức thiết lập cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ với những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đây được coi là cam kết của ngành công thương hướng tới một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động.

 

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để đưa thêm một số TTHC khác như: Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN… lên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.

 

Ngoài công tác cải cách TTHC thì năm 2017 ngành công thương còn có những mục tiêu gì?

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nhiệm vụ đầu tiên là tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước, trong đó có những mục tiêu mang tính chất pháp lệnh của ngành.

 

Năm 2017, Bộ Công Thương phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu đạt 6-7%, duy trì nhập siêu 5%, mức tăng trưởng công nghiệp đạt 8%. Đồng thời, hình thành các ngành kinh tế mới có năng lực cạnh tranh cao để tiếp cận thị trường thế giới. Đặc biệt là tái cơ cấu ngành cả về công nghiệp, thương mại và xuất khẩu.

 

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tính bền vững cho không chỉ các ngành hàng xuất khẩu mà cho cả nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập với những tầm cao mới, chuẩn bị sẵn sàng cho cả hệ thống, đặc biệt là cộng đồng DN, người dân phải là chủ thể và đối tượng chủ động trong việc thực thi các cam kết hội nhập.

 

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 để nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng kiện toàn thể chế và hướng tới phát triển đội ngũ DN bền vững với mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN mới thành lập. Các chương trình khởi nghiệp cũng được coi là nội dung quan trọng trong năm nay.

 

Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Công Thương được Chính phủ yêu cầu là giải quyết dứt điểm những tồn đọng của 12 dự án không hiệu quả trong thời gian vừa qua. Bộ sẽ gấp rút thực hiện và báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

 

Bộ trưởng có nói nhiều về việc “thực hiện chiến lược hội nhập với những tầm cao mới” và vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực. Được biết, Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch lập thêm Cục Phòng vệ thương mại để xử lý các vấn đề này. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ cũng như định hướng của Cục Phòng vệ thương mại trong thời gian tới?

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tính đến ngày 31/10/2016, tổng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là 104 vụ, trung bình gần 6 vụ/năm, trong đó có 66 vụ điều tra chống bán phá giá, chiếm 63% tổng số các vụ kiện. Trong đó phải kể đến một số vụ kiện chống bán phá giá đối với những mặt hàng có kim ngạch lớn, lên đến hàng tỷ USD như vụ kiện tôm (năm 2002) và cá da trơn (năm 2003) của Hoa Kỳ, vụ giày mũ da (năm 2005) của EU.

 

Có thể thấy rằng, số lượng các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng ngày càng tăng nhanh trong thời gian gần đây với trung bình 12 vụ/năm. Ngoài các cuộc điều tra chống bán phá giá, Việt Nam đang có xu hướng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá do bị coi là nơi chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế. Đây là một hình thức các nước nhập khẩu áp dụng nhằm tránh việc “chuyển tải” hàng hóa từ một nước sang nước khác với mục đích thay đổi xuất xứ để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.

 

Bên cạnh đó, thực hiện các cam kết theo hiệp định thương mại, chúng ta đã loại bỏ hàng rào phi quan thuế, giảm thuế nhập khẩu. Điều này đặt các DN, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của các hàng hoá nhập khẩu, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh. Một trong những công cụ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu là sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

 

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Quản lý ngoại thương, trong đó đưa toàn bộ các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ vào thành một chương trong Dự thảo Luật. Dự kiến Luật Quản lý ngoại thương sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

 

Pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là một trong những phần phức tạp nhất trong hệ thống pháp luật thương mại quốc tế. Để đáp ứng xu thế hội nhập và ứng phó với những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực, việc thành lập một cơ quan chuyên trách về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều thành lập một cơ quan quản lý riêng biệt về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Cơ quan này thường trực thuộc các Bộ Thương mại, Kinh tế hoặc Công Thương.

 

Chính vì lý do đó, Bộ Công Thương đã có kế hoạch thành lập mới Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng vệ thương mại, góp phần triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam để bảo vệ lợi ích của các DN trong bối cảnh hội nhập.

 

Định hướng các nhiệm vụ của Cục Phòng vệ thương mại sẽ là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; tổ chức điều tra việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt nam để đề xuất áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ theo quy định của pháp luật.

 

Khi được thành lập, Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các DN, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Cục sẽ là đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới liên quan đến của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Nguồn Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang