Thứ Ba, 26/11/2024 07:49:42 GMT+7
Lượt xem: 16581

Tin đăng lúc 01-11-2018

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Nâng cao phẩm chất, năng lực quản lý thị trường trên toàn hệ thống

Sáng ngày 31/10, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn trả lời vấn đề: Vì sao nâng cấp Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục Quản lý thị trường… đang được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Nâng cao phẩm chất, năng lực quản lý thị trường trên toàn hệ thống
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội

Nâng cấp lên Tổng cục Quản lý thị trường là “nâng chất”

 

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: Về sự thay đổi mô hình hoạt động của lực lượng quản lý thị trường khi "nâng cấp" Cục Quản lý thị trường lên thành Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển quản lý các chi cục tại địa phương theo ngành dọc, thay vì địa phương quản lý như trước. Như vậy chính quyền địa phương có còn trách nhiệm trong quản lý thị trường trên địa bàn nữa hay không và nếu có thì lực lượng chuyên trách nào sẽ giúp cho chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, đặc thù của công tác quản lý thị trường luôn gắn với địa bàn. Với mô hình tổ chức mới có khó khăn gì hay có ảnh hưởng gì đến hiệu quả công tác phối hợp xử lý hay không?


Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuần Anh cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng quản lý thị trường. “Trên thực tế, thời gian qua đã chứng kiến nhiều hoạt động buôn lậu gian lận thương mại hết sức tinh vi giữa trong và ngoài nước, giữa địa phương và khu vực. Vì vậy, việc phối hợp chuyên ngành quản lý, đấu tranh giữa các cơ quan ban ngành cần phải được xem xét”, Bộ trưởng nêu rõ.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đang hết sức tinh vi… Với thực tế này đòi hỏi sự cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ của quản lý thị trường và sự phối hợp của các địa phương liên vùng. Trong khi đó, sự cắt khúc từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ muốn tổ chức quản lý điều hành theo ngạch dọc. Tuy vậy, người đứng đầu ngành Công Thương lý giải: "Chúng ta mới chỉ thay đổi mô hình tổ chức, còn bản chất việc chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện đòi hỏi có sự phối hợp của Chính phủ, của các Bộ, ngành với chính quyền địa phương. Thời gian tới phải tập trung hoàn thiện hạ tầng pháp lý, đổi mới phương thức số hóa, gắn với nâng cao phẩm chất, năng lực quản lý thị trường trên toàn hệ thống”.

 

Bộ trưởng cũng khẳng định, tới đây trách nhiệm quản lý địa phương được thể hiện rất rõ. “Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền cấp ủy và chính quyền địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện phối hợp chặt chẽ đấu tranh chống gian lận thương mại có hiệu quả, đồng thời cũng hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu cụ thể địa phương” - Bộ trưởng khẳng định.

 

Với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng thỏa đáng. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn,đặc thù của quản lý thị trường là yêu cầu xử lý nhanh, chính xác và kịp thời, có trường hợp 2- 3 giờ sáng phải đi xử lý vụ việc. Nhưng với cơ sở vật chất hạ tầng như hiện nay việc xác định số hóa quản lý thị trường chưa chín muồi? Theo đại biểu, cải cách số hóa chỉ thực hiện trong cải cách hành chính, còn thực hiện trong quản lý thị trường vẫn có những khó khăn nhất định.

 

Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho biết, nâng cao chất lượng của quản lý thị trường là yêu cầu cấp thiết giai đoạn hiện nay. Đề án số hóa đối với lực lượng quản lý thị trường cũng rất quan trọng. “Nếu như chúng ta không đổi mới công tác quản lý thị trường và quy trình tổ chức để phục vụ điều hành các hoạt động quản lý thị trường bằng ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa sẽ khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi rằng, số hóa tạo điều kiện thuận lợi khi mà Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hành chính công trực tuyến cấp độ 3, 4 và gần đây nhất là Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0… Đây được coi là nền tảng rất quan trọng trong vấn đề số hóa quản lý thị trường”, Bộ trưởng lưu ý.

 

Xử lý sai phạm theo đúng quy định pháp luật

 

Tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, quản lý thị trường là lĩnh vực mà bà cũng rất quan tâm và có nhiều trăn trở. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, thực tế có một bộ phận lực lượng quản lý thị trường tiếp tay cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ra thị trường, gây bức xúc xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn tác động đến sự cạnh tranh không lành mạnh của thị trường, ảnh hưởng đến nền sản xuất nội địa. Vậy vai trò của Bộ trưởng với tư cách đừng đầu ngành Công Thương trách nhiệm ra sao?

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, khi có những vụ việc xảy ra liên quan tới “phẩm chất và năng lực” của các cán bộ quản lý thị trường ở các địa phương, Bộ đều có theo dõi để có chỉ đạo, xử lý.

 

"Quản lý thị trường có tác động rất lớn, không chỉ bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn có thể tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức. Do đó, với các vụ việc xảy ra vừa qua, chúng tôi đều có phối hợp với chính quyền địa phương để xem xét xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ quản lý thị trường có sai phạm theo đúng quy định pháp luật. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng quy chế phối hợp để đảm bảo quản lý chặt chẽ vấn đề này” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

 

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng thẳng thắn chia sẻ: “Trước tiên, tôi nhìn nhận trách nhiệm của mình, của Bộ trưởng Bộ Công Thương, người đứng đầu của ngành quản lý thị trường ở hai khía cạnh". Thứ nhất, ở khía cạnh chuyên môn là đảm bảo hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

 

Khía cạnh thứ 2 là trách nhiệm trong việc phối hợp giữa Tổng cục Quản lý thị trường với những hoạt động trực tiếp của quản lý thị trường của các địa phương.

 

"Báo cáo đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm và Quốc hội, trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có phối hợp với chính quyền địa phương để xem xét xử lý trách nhiệm các cán bộ có liên quan nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang