Thứ Sáu, 22/11/2024 22:03:15 GMT+7
Lượt xem: 2349

Tin đăng lúc 05-01-2017

Bộ trưởng Bộ Công Thương và nỗ lực trả 'món nợ thể chế

Còn nhớ sau khi được Quốc hội phê chuẩn, khi được hỏi rằng điều gì làm ông “lo lắng nhất” trong thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định đó là “xây dựng thể chế”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương và nỗ lực trả 'món nợ thể chế
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 15/11

Ông Trần Tuấn Anh đã nói: “Điều làm tôi quan tâm, lo lắng và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại Bộ, xây dựng thể chế để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao”.

 

Mối quan tâm đó chính là “món nợ” của ngành công thương, ngành quản lý hai lĩnh vực lớn bao trùm nền kinh tế là công nghiệp và thương mại. Bất kỳ chính sách nào của ngành mang tính cởi trói, hỗ trợ thì thị trường phát triển, doanh nghiệp (DN) hồ hởi làm ăn và ngược lại.

 

Xóa bỏ, đơn giản hóa một loạt TTHC

 

Năm 2016, dư luận đã chứng kiến sự phản ứng liên tục của cộng đồng DN đối với hàng loạt quy định, thông tư do Bộ Công Thương xây dựng. Đơn cử như Thông tư 20 về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô, Thông tư 37 đối với các DN ngành dệt may, Thông tư 07 về dán nhãn năng lượng và một loạt quy định, điều kiện kinh doanh liên quan đến các ngành khác như kinh doanh gas, kinh doanh thuốc lá…

 

Lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN về những rào cản do chính các chính sách, quy định, thủ tục hành chính (TTHC) gây ra, ngày 12/10, động thái đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện là bãi bỏ Thông tư 37. Phải nói rằng, DN dệt may "mừng ra mặt" khi quyết định này giúp tiết kiệm được hàng tỷ đồng.

 

Giữa tháng 11/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố xóa bỏ 15 TTHC và đơn giản hóa 108/443 thủ tục ở 19 lĩnh vực kinh doanh từ cấp xã tới cấp Trung ương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số TTHC hiện có, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, DN khi tiếp cận.

 

Động thái này của Bộ Công Thương được cộng đồng DN và dư luận đánh giá là những cải cách “chưa từng có trong lịch sử” ngành công thương từ rất nhiều năm nay.

 

Không dừng ở đây, ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, theo hướng bãi bỏ các quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho DN. Ước tính, việc gỡ khó này sẽ tiết kiệm cho các DN hàng tỷ đồng.

 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, gỡ khó cho DN trong năm 2017

 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Có lẽ rất đúng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, đây là ‘món nợ thể chế’ của ngành công thương đối với cộng đồng DN. Bởi, chính sách và pháp luật là do chúng ta xây dựng, chứa đựng những tích cực, tiến bộ và cả những yếu tố lạc hậu, thậm chí là bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của DN”.

 

Nói về những bất cập mà những Thông tư 20, Thông tư 37 hay Thông tư 07 gây ra cho DN, Bộ trưởng thừa nhận, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có những “bài học xót xa, cay đắng” từ thực tiễn.

 

“Vì vậy, chúng tôi cũng đã ý thức về trách nhiệm của mình trong vấn đề thể chế, chính sách. Thông tư 37 được bãi bỏ, Thông tư 36 được ban hành thay thế Thông tư 07, Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chuẩn bị được ban hành, hay hàng loạt lĩnh vực khác về khai báo hóa chất… đều chỉ là biện pháp trong quá trình hoàn thiện thể chế của Bộ Công Thương”, người đứng đầu ngành công thương chia sẻ.

 

Khi được hỏi về những công việc tiếp theo trong năm 2017, Bộ trưởng cho biết, sang năm mới, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới thể chế, nâng cao, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng bộ hóa bằng cải cách hành chính, giảm thiểu bớt đầu mối, giảm bớt các TTHC. Đặc biệt, Bộ sẽ chú trọng vào công tác xây dựng Chính phủ điện tử để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thông thoáng và thuận lợi hơn cho DN, người dân.

 

“Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt chương trình hành động rất cụ thể cả về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, tái cơ cấu Bộ Công Thương. Mới đây nhất, cuối tháng 12 vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức thiết lập cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ với những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đây được coi là cam kết của ngành công thương hướng tới một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

 

Thông tin thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát để đưa thêm một số TTHC khác như: Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN… lên Cổng Thông tin một cửa quốc gia (NSW). Đây cũng được coi là một trong những hành động nhằm mục đích tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho DN.

 

Và ngay trong những ngày đầu năm mới 2017 này, chiều tối 04/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo - một quy định đang bị cho là gây khó DN.

 

Nguồn Báo Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang