Năm 2016: Hoàn thành kế hoạch trông bù rừng thay thế
Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum), Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc trồng bù diện tích rừng thay thế cho các dự án công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong lĩnh vực này, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương. Hiện hai bộ phối hợp chặt chẽ để hoàn thành kế hoạch đề ra,
Năm 2015, các cơ quan chức năng đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò rất tích cực của các địa phương và sự cố gắng từ các chủ đầu tư dự án, công trình thủy điện; khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế của các công trình thủy điện đã được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đề ra. Năm 2016, đối với diện tích rừng mà các công trình thủy điện đã lấy, sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã đề ra ba phương án đối với việc trông bù rừng các dự án thủy điện: Thứ nhất, đối với những dự án thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trồng bù diện tích rừng thay thế, Bộ tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư phải hoàn thành tiến độ trồng bù rừng thay thế theo đúng phương án đã phê duyệt. Đối với những chủ đầu tư không hoàn thành sẽ xử lý theo quy định. Thứ hai, những dự án thủy điện đang có phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, trong khi chờ phương án phê duyệt, ngành Công Thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực một năm. Sau một năm, nếu chủ đầu tư không thực hiện, Bộ Công Thương sẽ xử lý vi phạm theo quy định. Thứ ba, đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện, do khuyết điểm, thiếu trách nhiệm của chủ dự án, Bộ Công Thương sẽ cho thủy điện đó tạm thời dừng và rút giấy phép hoạt động điện lực của chủ đầu tư cho đến khi khắc phục được tình trạng đó.
Chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ: Còn hạn chế
Giải trình về vấn đề đại biểu Thân Đức Nam đoàn TP.Đà Nẵng đưa ra, ngành công nghiệp phụ trợ đến nay vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể và những đề xuất cho công nghiệp phụ trợ chưa hợp lý, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra từ nhiều năm, nhưng cơ chế, chính sách còn rất hạn chế. Từ năm 2014, Bộ Công Thương đã chủ trì nghiên cứu soạn thảo Nghị định mới và trình với Chính phủ xem xét nhưng cho tới nay chưa được thông qua, bởi:Bộ Công Thương giải trình chưa thấu đáo về sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước đối với các doanh nghiệp (DN) phụ trợ, đặc biệt là khi nguồn ngân sách còn có hạn, không thể hỗ trợ trực tiếp quá nhiều cho lĩnh vực này; thêm vào đó, Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh đang cải cách hành chính và sắp xếp lại bộ máy, không thể tăng thêm nhân lực cho lĩnh vực này.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp như: Tận dụng tốt quy định của luật đầu tư quy định địa bàn và lĩnh vực khuyến khích đầu tư có DN công nghiệp hỗ trợ; luật thuế sửa đổi một số ưu đãi về công nghiệp phụ trợ cho các DN vừa và nhỏ; ban hành quy hoạch 6 nhóm hàng về công nghiệp hỗ trợ; tổ chức tốt việc kết nối giữa các DN lớn trong nước cũng như các DN đầu tư nước ngoài với các DN công nghiệp phụ trợ để trao đổi và bàn về khả năng của nhau.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cố gắng lồng ghép kết hợp công nghiệp hỗ trợ với các chương trình liên quan đến cơ khí, các chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm… để các DN hỗ trợ có thể tham gia. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ báo cáo với các bộ có liên quan về việc xây dựng dự thảo luật khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, xem khả năng có cần thiết có một luật riêng về công nghiệp hỗ trợ nữa hay không. Bằng mọi cách sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định về công nghiệp phụ trợ để trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao
Trả lời câu hỏi về vấn đề cụ thể hóa một số chính sách ứng dụng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai các chương trình, đề án như: Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Đây là hai chương trình rất quan trọng liên quan đến việc ứng dụng phát triển công nghiệp.
Từ năm 2011 đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới đã được ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số ứng dụng đã đóng góp vào việc nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nội địa hóa, một số nhà máy nhiệt điện đã thực hiện thành công việc sản xuất một số bộ phận, phụ tùng của một tổ máy... Tuy nhiên, việc áp dụng KHCN trong các sản phẩm công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới công nghệ, điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận DN công nghệ cao để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Tăng cường chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Hướng dẫn các DN xây dựng các dự án, đề án, những nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử