Sẽ giảm 10% giá thuốc
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) và nhiều ĐB khác quan tâm là giá thuốc. ĐB Trịnh Ngọc Phương nêu vấn đề, trong thời gian qua ngành y tế đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng giá thuốc Việt Nam cao hơn so với mặt bằng giá các nước trong khu vực và ngay cả Việt Nam chúng ta vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương, có tình trạng loạn giá ở các quầy thuốc.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn cho rằng: “Vấn đề các ĐB nêu có thể đúng và cũng có thể không đúng vì hiện nay, để quản lý giá thuốc, chúng tôi đã ban hành Thông tư số 9, số 10, số 11 quy định 3 loại giá khác nhau”.
Cụ thể, loại thứ nhất là giá đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập, đặc biệt là sử dụng ngân sách, quỹ bảo hiểm. Loại thứ hai là các quầy thuốc trong bệnh viện công lập. Loại thứ ba là đối với các quầy thuốc ngoài đường, tức là bán lẻ.
Đối với nhà thuốc bệnh viện, Bộ Y tế đã thực hiện nghị định đấu thầu và theo quyết định của Chính phủ đã thành lập trung tâm mua sắm tập trung là Trung tâm đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế. Bộ cũng lên danh mục đấu thầu thuốc tập trung để đấu thầu ra giá tham chiếu cao nhất và thấp nhất trong toàn quốc với một số thuốc. Đồng thời đấu thầu danh mục thuốc cho tuyến tỉnh và những thuốc để bệnh viện tự mua. Hiện nay, Bộ đang quản lý khá tốt giá thuốc của đối tượng này.
Thứ hai, đối với giá thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện, để hạn chế tình trạng giá thuốc cao, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng sẽ điều chỉnh Thông tư 11, yêu cầu giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện phải bằng với giá thuốc bệnh viện đã mua.
Thứ ba, đối với thuốc ở các quầy thuốc bán lẻ đang phải tuân theo kê khai giá và công khai, minh bạch. Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, chắc chắn các quầy thuốc khác nhau sẽ có tình trạng bán cùng một tên thuốc với giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua, đó là theo quy luật thị trường. “Ban thanh tra, kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng thường xuyên đi kiểm tra và nếu vượt quá hoặc không kê khai thì phạt theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, nhưng lực lượng này còn rất mỏng và mảng này còn khó khăn” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận.
Riêng với giá biệt dược, người đứng đầu ngành y tế cho rằng, giá biệt dược cao thì đúng, vì đã là biệt dược nghĩa là độc quyền, đặc biệt với những thuốc chuyên khoa như ung thư, tim mạch. Hiện nay, khoảng gần 700 loại thuốc biệt dược đang còn bản quyền giá rất cao và khoảng 500 loại biệt dược gần hết bản quyền. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh Thông tư 11 theo hướng những thuốc biệt dược đã hết bản quyền giá đang cao thì chúng tôi đưa vào đấu thầu rộng rãi như đối với các thuốc khác. Mặc dù những người nắm giữ bản quyền không đồng tình nhưng đây là việc ngành y tế quyết tâm làm”.
Bên cạnh đó, do biệt dược thường được mua với số lượng ít nên Bộ Y tế sẽ tập trung nhu cầu cả nước về biệt dược, sau đó đấu thầu tập trung, đàm phán để giá thấp nhất. Đây là hình thức mới, thực hiện theo Nghị định đấu thầu. Sắp tới phương thức này sẽ giúp giảm giá mạnh và theo Nghị quyết của Chính phủ, phải phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc.
Với ý kiến cho rằng giá thuốc của ta cao hơn nhiều nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong thời gian qua, với việc ban hành một loạt thông tư đồng bộ thực hiện Luật đấu thầu, Nghị định đấu thầu thì thị trường thuốc của Việt Nam đã ổn định và giá không tăng cao. Trong CPI của những mặt hàng thiết yếu thì thuốc vẫn đứng thứ 9, thứ 10, có nghĩa là không tăng đột biến.
"Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, gần đây là của AMF thì giá của thuốc biệt dược và thuốc gốc, generic của những bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường thì thuốc gốc Việt Nam thấp hơn 10% so với 6 nước trung bình ASEAN. Nhiều nước khác ở mức cao hơn hẳn như như Philippines cao hơn 37%, Thái Lan cao hơn 19%. Đối với thuốc generic trong ASEAN thì Việt Nam thấp hơn 33% so với mức trung bình, trong khi Philippines và Indonesia cao hơn 72% và 20%" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin.
Giá tăng, dịch vụ có tăng?
ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn, vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành những chính sách về điều hành giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và thực hiện giao quyền tự chủ cho một số bệnh viện công lập. Tuy nhiên, nhiều cử tri quan tâm lo lắng khi giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng dịch vụ y tế có tăng theo không? Hay gây nên tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, tăng giá dịch vụ y tế là lộ trình mà Nghị quyết 68 Quốc hội cũng như Nghị định 16 của Chính phủ ban hành, tuy nhiên lộ trình này đã chậm so với kế hoạch. Theo kế hoạch, trong Nghị định 16, trong năm 2017 phải hoàn thành tính đúng, tính đủ về yếu tố đầu vào trực tiếp và nương vào đó để tăng giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên năm 2017 ta chưa làm được vì phải xem xét tác động của giá mặt hàng này vào CPI để chống lạm phát.
Khẳng định tăng giá sẽ tăng chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, khi tăng giá dịch vụ, các chi phí đã được tính toán và khi giá dịch vụ được đưa vào lương, trách nhiệm cán bộ y tế sẽ tăng lên, chất lượng tăng lên. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ giảm được chi ngân sách cho các chi phí trực tiếp và lương. Trong thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, từ khi đưa lương vào giá thì ngành y tế đã không phải cấp vào lương khoảng 10.000 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn, trong giai đoạn đầu chưa báo cáo đầy đủ đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng chi vào lương cho cán bộ y tế. Đó là những mặt lợi về phía người dân, nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh.
Nguồn Báo Công Thương