Thứ Hai, 25/11/2024 09:22:04 GMT+7
Lượt xem: 2631

Tin đăng lúc 06-01-2017

Bộ trưởng kiến tạo và tràng pháo tay của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị dành một tràng pháo tay cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh – người vừa ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo.
Bộ trưởng kiến tạo và tràng pháo tay của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương, ngày 6/1, trong số những kết quả lớn mà ngành Công Thương đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt đánh giá cao công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy.

 

“Có thể nói, đây là Bộ làm việc này tốt nhất”, Thủ tướng nhìn nhận. “Số đầu mối giảm xuống, biên chế giảm xuống. Số phòng trong cục, vụ giảm xuống. Đặc biệt, một số thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì các đồng chí làm hết sức tiến bộ và ấn tượng”. Bộ đã bỏ nhiều quy định, thủ tục về đầu tư, kinh doanh; khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3, 4 của Bộ tại một cửa duy nhất.

 

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc tới việc cách đây vài ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. “Đây là điểm nhấn trong cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất”, Thủ tướng nói và đề nghị hội trường dành tràng pháo tay biểu dương sự cố gắng này của Bộ Công Thương.

 

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và để xây dựng Chính phủ kiến tạo thì các Bộ trưởng cũng phải kiến tạo. Thủ tướng cũng coi những vướng mắc về cơ chế, chính sách là “nợ thể chế” mà các cơ quan quản lý phải trả người dân.

 

Riêng với Bộ Công Thương, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã chỉ rõ, về thể chế, cơ chế quản lý vẫn còn tình trạng nửa thị trưởng, nửa kế hoạch hóa, do tư duy cũ và lợi ích chi phối, nên thiếu sự mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách và trong điều hành; cơ chế cạnh tranh và quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nêu cao cung cách làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới cải cách thể chế, cơ chế chính sách; chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân...

 

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 1/8, ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, “không hoàn thiện về thể chế của Bộ Công Thương như Đảng và Chính phủ yêu cầu để đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, thì chúng tôi khó thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào”.

 

Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã liên tiếp có những quyết sách rất cụ thể, tháo gỡ hàng loạt nút thắt thể chế, trong đó có những vấn đề đã tồn tại rất lâu, được doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được xử lý.

 

Đó là bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may, bãi bỏ những thủ tục về dán nhãn năng lượng đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất… Và mới nhất là quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo – theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

 

Thời gian qua, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề về những nguyên nhân khiến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, lượng xuất khẩu thì nhiều nhưng giá trị còn thấp, hầu như chưa có thương hiệu mạnh… Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng về thể chế.

 

Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo tại Quyết định 6139 mà Bộ Công Thương vừa bãi bỏ có liên quan mật thiết tới Nghị định 109 năm 2010 về điều kiện xuất khẩu gạo và theo các chuyên gia, Quyết định 6139 đã đặt thêm nhiều tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. 

 

Chẳng hạn, Nghị định 109 chỉ yêu cầu kho chứa và cơ sở xay sát phải nằm tại tỉnh thành có thóc gạo hoặc có cảng biển. Nhưng Quyết định 6139 lại giới hạn lại chỉ ở 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM, Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh mới được xuất khẩu gạo. Như vậy là đã loại bỏ rất nhiều tỉnh thành khác.

 

Nghị định 109 chỉ coi thành tích xuất khẩu gạo là điều kiện để phân bổ hợp đồng tập trung. Nhưng Quyết định 6139 lại mở rộng, dùng thành tích xuất khẩu gạo làm điều kiện để duy trì giấy phép.

 

Theo các chuyên gia, về bản chất, Quyết định 6139 đã mở rộng các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 109, không chỉ ở cấp Thông tư, mà thậm chí còn đẩy xuống cấp quyết định của Bộ trưởng. Cách làm này không chỉ vi phạm Luật Doanh nghiệp mà còn vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Cộng đồng doanh nghiệp hết sức vui mừng với những chuyển động mạnh mẽ tại Bộ Công Thương, mà bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo là động thái mới nhất. Nhưng cũng cần nhắc lại rằng, quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo chỉ là một vấn đề. Liên quan tới xuất khẩu gạo, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 109. Nghị định này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cũng có không ít quy định bất cập.

 

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những hành động quyết liệt hơn nữa của Bộ trưởng, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, thực hiện được nhiệm vụ Thủ tướng giao là xây dựng một môi trường kinh doanh để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép.

 

Nguồn Báo Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang