Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có (như: Đứt gãy các nguồn cung, suy giảm tổng cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh trạnh địa chính trị giữa các nước lớn; nhiều tồn tại lũy kế của ngành chưa thể giải quyết triệt để; đặc biệt là liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của Ngành), song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước, Ngành Công Thương đã nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nổi bật là: (1) Sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi phát triển, có sự bứt phá từ quý 3/2023 đến nay, duy trì vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. (2) Thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn thách thức; hàng hóa dồi dào với giá cả khá ổn định. (3) Xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại; đặc biệt, năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước; 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt trong một số lĩnh vực như: MTĐT phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20-25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng; quy mô TMĐT đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước. Để bảo đảm hoạt động TMĐT phát triển lành mạnh, bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách; Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong TMĐT; thiết lập cơ chế tiếp nhận kiến nghị và phản hồi trực tuyến với người tiêu dùng để hỗ trợ xử lý, gỡ bỏ các nội dung bán hàng trái pháp luật trên các nền tảng số... Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT vẫn còn các tồn tại, hạn chế và thách thức rất lớn như trong Báo cáo của Bộ đã gửi các đại biểu Quốc hội. Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động TMĐT, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên.
Đến nay, Việt Nam có 16 FTA đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác (hầu hết là các nền kinh tế lớn), phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu. Để đạt được kết quả đó, Ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp và người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng; Đẩy mạnh hoạt động XTTM, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp.
Việc khai thác có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các FTA chưa như kỳ vọng; xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước còn thấp so với các doanh nghiệp FDI... Đây là những vấn đề mà Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm, tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp: Những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngành Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp này theo quy định của Nhà nước; kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, tích cực kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành CNHT, công nghiệp cơ khí của nước ta đã có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn Ngành, giữ vị trí dẫn dắt, đầu tàu tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thặng dư thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tăng trưởng chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành Công Thương cần nỗ lực, tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Ngay sau báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn trước Quốc hội ba nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành, gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao.
Theo moit.gov.vn