Những chuyển biến trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số
Tại Hội nghị Thúc đẩy Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương, báo cáo về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong Bộ trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.
Cụ thể, theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Bộ và các đơn vị trực thuộc.
Trong quá trình chuyển đổi số, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ luôn xác định: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; văn hóa số làm thay đổi cách thức làm việc của mỗi đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thể chế (chương trình, đề án, cơ chế, chính sách, cách thức triển khai và tổ chức thực hiện chương trình chuyển đổi số) đóng vai trò then chốt đến sự thành công của chuyển đổi số...
Song song đó, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh cũng cho biết, các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số và chính phủ điện tử cũng rất đa dạng như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các ấn phẩm của Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương; truyền thông trên hệ thống báo điện tử, trang/cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; truyền thông trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề hoặc các buổi họp chi bộ, giao ban, các buổi làm việc, các cuộc họp chỉ đạo, điều hành…
Với những nỗ lực kể trên, thời gian qua, nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ đã có chuyển biến tích cực; dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng, trong đó cơ bản hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hơn 79% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; công tác an ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Cũng theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều ứng dụng nội bộ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tại Bộ. Điển hình là hệ thống quản lý văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT). Đây không chỉ là hệ thống quản lý văn bản điện tử mà còn là hệ thống quản lý công việc, kiểm tra, giám sát việc phân công, quản lý, điều hành của Bộ.
Hệ thống iMOIT được triển khai đồng bộ, toàn diện tại tất cả đơn vị trực thuộc Bộ từ ngày 1/1/2016. Đến nay, hệ thống iMOIT đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và trở thành công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của các cán bộ, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến, thời gian vừa qua, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Theo đó, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến với gần 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đến hết quý III/2023 là gần 1,2 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Ngoài ra, trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong 9 tháng năm 2023 là gần 250 nghìn bộ hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), trao đổi gần 190 nghìn bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm.
“Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị mình, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới. Các ý kiến phát biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện các quy trình tác nghiệp hoặc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; ý thức và quyết tâm chuyển đổi số ở một số bộ phận còn chưa cao; thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp của một bộ phận công chức còn chậm thay đổi...
Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thúc đẩy Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong Bộ trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số.
“Trong những năm qua, nhận thức về chuyển đổi số trong Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến tích cực; hạ tầng chuyển đổi số được quan tâm hơn và ngày càng hoàn thiện; cơ sở dữ liệu cũng được chú trọng; dịch vụ công trực tuyến được tăng cường...”, - Bộ trưởng đánh giá và biểu dương.
Song, nhìn thẳng vào thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, chưa kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; chậm hoặc chưa ban hành các quy chế quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm hay việc khai thác còn nhiều vướng mắc.
Thứ hai, ý thức và quyết tâm chuyển đổi số ở một số bộ phận công chức, viên chức, lãnh đạo chưa quyết liệt, còn do dự.
Thứ ba, thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của một bộ phận công chức chậm thay đổi.
Thứ tư, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành còn thiếu và yếu, chưa được cập nhật kịp thời và thiếu tính liên kết chia sẻ.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công việc.
“Đó là 5 hạn chế cơ bản, nổi cộm nhất trong công tác thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ thực tế và cho biết, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến những tồn tại này. Nguyên nhân chủ quan đến từ nhận thức của một số đơn vị, bộ phận và các cá nhân về công tác chuyển đổi số chưa tốt, cho nên chưa có quyết tâm.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị trong Bộ còn chưa chặt chẽ, đồng nhất; năng lực, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm chưa cao; tính gương mẫu của người đứng đầu chưa thực sự tốt; công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên - cấp dưới, của cơ quan kiểm tra thường trực với các cơ quan thuộc Bộ cũng chưa có nhiều cải thiện...
Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, trong những năm tiếp theo, Bộ Công Thương phải làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số. Làm được điều này, Bộ trưởng đề nghị, các Cục, Vụ trong Bộ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chú trọng đến công tác cập nhật cơ sở dữ liệu; đề xuất nhu cầu, trang thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác chuyển đổi số; khẩn trương triển khai thực hiện các hạng mục của Đề án phát triển dịch vụ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ theo đúng kế hoạch.
Thứ hai, tất cả các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực, chủ động cung cấp thông tin, đưa ra các yêu cầu quản lý của đơn vị mình gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ nhằm phục vụ việc triển khai Chính phủ điện tử.
“Trước ngày 30/11/2023, tất cả các đơn vị đều phải đưa ra yêu cầu quản lý của đơn vị mình để Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổng hợp và đề xuất với Lãnh đạo Bộ xây dựng một chương trình tổng thể trước ngày 15/12”, Bộ trưởng chỉ đạo và nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, do vậy các đơn vị trong Bộ phải quyết tâm thực hiện.
Thứ ba, các đơn vị có cơ sở dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, liên tục, bảo đảm dữ liệu luôn đúng - đủ - sạch - sống. Đồng thời, thực hiện số hóa 100% hồ sơ thủ tục hành chính do tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện và đưa vào hệ thống Một cửa của Bộ theo đúng quy định; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong Bộ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu và danh mục dịch vụ công trực tuyến mới trong tháng 11/2023.
Thứ tư, khẩn trương lập kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính liên quan, đẩy mạnh công tác thông kiểm; giảm tối đa việc kiểm tra thực tế hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, từ đó tạo điều kiện để triển khai áp dụng quy trình dịch vụ công trực tuyến.
Thứ năm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu xây dựng tiêu chí đánh giá và chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ, lấy đó làm cơ sở bình xét thi đua của tổ chức, cá nhân người đứng đầu và nhiệm vụ này cũng phải hoàn thành ngay trong tháng 12/2023.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực để có thể thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đối với những đơn vị như: Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà Xuất bản...
Về những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp tham mưu đề xuất các hướng giải quyết. Bộ trưởng kỳ vọng, sau buổi làm việc hôm nay, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương sẽ đi vào thực chất hơn, đạt được hiệu quả tích cực hơn để nâng cao chất lượng hoạt động của toàn ngành.
Theo Congthuong.vn