Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ như vậy tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW năm 2005 và Kết luận 27-KL/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 9/7.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Đông Nam bộ có vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi; là một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đặc biệt, với việc Việt Nam hiện là 1 trong 20 quốc gia hàng đầu về thương mại quốc tế sẽ là những lợi thế, nền tảng quan trọng để “đầu tàu” của nền kinh tế như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ thúc đẩy phát triển công nghệ cao và dịch vụ logistics.
Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, vùng còn hạn chế cần khắc phục như phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao còn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài; Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghệ cao còn thấp, viễn thông, điện tử chuyên dụng đạt (chỉ từ 5-15%); năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Dịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp, chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn có vai trò chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng. Tắc nghẽn giao thông, yếu kém về cơ sở hạ tầng và thiếu sự kết nối, hợp tác liên kết vùng là những nút thắt trong phát triển của cả vùng hiện nay.
Để khắc phục những điểm nghẽn nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất: Vùng Đông Nam bộ cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thành Quy hoạch các tỉnh, thành phố và Quy hoạch vùng Đông Nam bộ trên cơ sở phát huy tiêm năng, lợi thế so sánh, bảo đảm cân đối vùng, miền và phù hợp với các Quy hoạch ngành của quốc gia, trong đó cần xác định rồ việc ưu phát triền công nghiệp công nghệ cao, logistics, hạ tầng là điều kiện quan trọng xu thế tất yếu để phát triển vùng và từng địa phương.
Cần thực hiện liên kết vùng trong phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tạo cơ chế đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics; Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử; đồng thời, tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển các ngành công nghệ cao và dịch vụ logistics. Ngoài ra, vùng cần tiếp tục đẩy mạnh cài cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, phân cấp nhiều hơn và xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính…
Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; diện tích trên 30,5 ngàn km2 (9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt, và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53, cơ cấu kinh tế của vùng dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao vượt mục tiêu đặt ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ của vùng cao nhất cả nước; các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch phát triển mạnh; đóng góp vào ngân sách cả nước của vùng Đông Nam bộ và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của vùng đạt mức cao nhất cả nước (năm 2020 đạt 265,3 triệu đồng/lao động) thể hiện chất lượng, trình độ tiến bộ của kinh tế vùng ở mức cao. Đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước tại vùng, đóng góp tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo việc làm, thu ngân sách nhà nước.
Kinh tế tư nhân của vùng phát triển năng động, mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, tăng khoảng 81% trong giai đoạn 2011- 2020, chiếm 41,4% số lượng doanh nghiệp. Vùng là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Trong vùng, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước và nhất là khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt một số kết quả nổi bật. |
Theo Congthuong.vn