Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua và sau Covid có thể thấy rõ vai trò liên kết vùng, đặc biệt là vai trò của TP. Hồ Chí Minh với vùng rất quan trọng. Cụ thể, trong giai đoạn dịch Covid, Thành phố đóng vai trò quan trọng trong vấn đề sản xuất, lưu thông lương thực - thực phẩm, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu đến các nút giao thông để xuất đi khu vực. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm ở các địa phương sản xuất ra đều bán về Thành phố và phải lưu thông qua địa bàn thành phố để xuất khẩu. Còn hậu Covid TP. Hồ Chí Minh lại bộc lộ một số khó khăn khi xảy ra hiện tượng thiếu lao động.
Đối với những vấn đề trên để có thể giải quyết được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, liên kết vùng phải mạnh mẽ hơn nữa theo định hướng của Đảng. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung cho việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống giao thông kết nối, hoàn thiện một số tuyến cảng, hàng không…từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh. Để làm được thì không chỉ cần nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương mà phải huy động ngân sách Thành phố cùng các nguồn lực khác.
“Cần thiết có Nghị quyết liên tỉnh để khẳng định tính liên kết vì liên kết ngành, liên kết vùng rất quan trọng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Đối với vấn đề lao động, Bộ trưởng đã chỉ ra những bất cập trong thiếu lao động là xuất phát từ sự đứt gãy trong thời gian qua. Bộ trưởng gợi mở một số hướng giải quyết cho TP. Hồ Chí Minh như: Phải quan tâm nhiều hơn đến chỗ ở của người lao động, quan tâm nhiều hơn tới chính sách an sinh cho họ (cụ thể là xây trường học bệnh viện…). Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh có thể dịch chuyển các công trình nhà ở xã hội cho người lao động ra các địa phương ở ngoại ô Thành phố… Để làm được, ngoài định hướng của Đảng, Nhà nước, rõ ràng TP. Hồ Chí Minh với các địa phương cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm, như vậy mới khai thác nguồn đầu tư xã hội tốt.
Liên quan đến Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá đề xuất này rất trúng và rất đúng trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng chỉ ra, gần đây những ảnh hưởng từ tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine cũng như việc Trung Quốc gia nhập Khối thành viên CPTPP… sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới. Dự báo sẽ có sự chuyển dịch đầu tư và cạnh tranh gay gắt. Có thể, thế giới và khu vực sẽ tính toán việc chuyển hướng đầu tư, chuyển các cơ quan đại diện, nhất là chuyển trung tâm tài chính kinh tế.
Thực tế nhiều năm qua TP. Hồ Chí Minh đã là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế song để có thể vươn lên thành Trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: TP. Hồ Chí Minh một mặt cần xây dựng đề án để được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện, mặt khác cần chủ động chuẩn bị sẵn hạ tầng cũng như nguồn nhân lực. Bởi lẽ việc trở thành Trung tâm tài chính quốc tế không phải một sớm một chiều mà Thành phố cần đi từng bước, trước hết là khẳng định thành trung tâm tài chính của cả nước, rồi đến khu vực Đông Nam Á, đến Châu Á và cuối cùng là thế giới.
Theo Bộ trưởng, luật pháp hiện hành của Việt Nam so với khung luật pháp quốc tế có những điểm khác nhau và cần đề xuất để Quốc hội sớm sửa đổi, hoàn thiện Luật để theo hướng có đủ điều kiện cho nhà đầu tư tham gia.
Liên quan đến kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực cho Thành phố, theo Bộ trưởng về nguyên tắc Bộ Công Thương ủng hộ nhưng chi tiết sẽ giao cho các đơn vị chức năng của Bộ rà soát, phối hợp, thực hiện.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phan Văn Mãi-Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 đến hết năm 2022, Thành phố khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025, Thành phố tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, ông Mãi cho biết đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tổn thất, vì vậy kinh tế Thành phố trong năm 2021 tăng trưởng âm sâu nhưng vẫn có nhiều điểm sáng. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng (đạt 104,5% dự toán), thu hút FDI đạt 7,23 tỷ USD (tăng 38,48% so cùng kỳ), kiều hối đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, phục hồi tốt so với các tháng trước. Cụ thể, một số chỉ tiêu đạt bằng cùng kỳ, một số ngành đạt mức bằng như trước dịch như: Tổng thu ngân sách 2 tháng đạt hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Bình quân 1 ngày làm việc thu khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng 19,07%.
Cũng tại buổi làm việc, TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị lên đoàn công tác 11 nhóm vấn đề quan trọng như: Kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án; Về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kiến nghị Quốc hội cho phép Thành phố được thực hiện cơ chế, đối với các nguồn vốn mà Thành phố có thể huy động; Về Đề án Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế, thành phố kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để Đề án được thông qua trong thời gian sớm nhất. |
Theo báo Công Thương