Thứ Ba, 26/11/2024 17:41:28 GMT+7
Lượt xem: 2478

Tin đăng lúc 09-05-2019

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu'

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu'
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc “Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ”.

Phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu

 

Phát biểu tại “Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ” vừa diễn ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, vấn đề tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình... là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay với khát vọng về một đất nước hùng cường, phát triển. Công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội, thời cơ "có một không hai" cho Việt Nam.

 

"Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

 

Theo ông, đây là lần đầu tổ chức diễn đàn công nghệ mang tầm cỡ quốc gia, bàn về tương lai phát triển của Việt Nam. Slogan "Make in Việt Nam" chính là chiến lược tạo ra điều đó.

 

"Make in Vietnam" là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. Đây là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Nếu chúng ta chỉ lắp ráp thì không thể giải bài toán năng suất lao động. Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng", Bộ trưởng nói.

 

Ông nêu ví dụ, các công ty không thể sản xuất, marketing hiệu quả nếu không áp dụng công nghệ. Các công ty công nghệ, sản suất công nghệ đều là nhân tố quan trọng để phát triển Việt Nam Vì vậy, phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu.

 

Năm 2019, Việt Nam sẽ chuyển đổi số nền kinh tế. Chuyển đổi số là tiền đề cho đổi mới sáng tạo. Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Ngoài đội ngũ nhân tài trong nước, Việt Nam đang thu hút nhiều nhân tài trong và ngoài nước. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để thu hút nhân tài toàn cầu.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một số công ty dịch vụ Việt Nam từng tuyên bố là tập đoàn công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã hoá rồng trên nền tảng phát triển của những tập đoàn công nghệ lớn.

 

Theo ông, đổi mới sáng tạo không thể không nói đến những startup. Những khởi nghiệp công nghệ này đang tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế, rồi nhanh chóng vươn mình trở thành những tập đoàn công nghệ toàn cầu. "Việt Nam rất cần những doanh nghiệp như vậy", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

 

Diễn đàn lần này cũng sẽ nói đến hệ sinh thái sáng tạo, startup công nghệ. Theo ông, Việt Nam cần các khởi nghiệp công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạnh công nghệ toàn dân. Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ.

 

Lần đầu tiên, diễn đàn sẽ đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp phát triển, đặt ra các tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho doanh nghiệp, buộc phải đổi mới công nghệ. Lần đầu tiên diễn đàn bàn sâu về một câu chuyện còn mới với đất nước. Diễn đàn cũng sẽ đề xuất với Chính phủ các tiêu chuẩn cao hơn để doanh nghiệp phát triển.

 

"Sự chuyển đổi lớn nhất là của tất cả mọi người. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên là giáo dục và các doanh nghiệp giáo dục. Đổi mới giáo dục, dạy ICT và ngoại ngữ là thiết yếu. Chúng ta cần ngôn ngữ mẹ đẻ để để duy trì văn hóa, tiếng Anh để hội nhập và ICT để giao tiếp với máy móc. "Chúng ta đặt ra một khát vọng và một tầm nhìn, chúng ta có niềm tin vào tương lai Việt Nam, niềm tin vào công nghệ và sự phát triển của các doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

 

 

Quang cảnh Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

 

Công nghệ giúp giải quyết bài toán của Hà Nội

 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạnh khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy.

 

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu.

 

Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số.

 

Trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa sở ban ngành, cơ quan liên quan đến thành phố được thực hiện nhanh gọn. Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng.

 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng liệt kê ra 17 chương trình thành phố đang ứng dụng công nghệ trong ở hầu hết các lĩnh vực lớn. 3,530 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018. Đây là một kết quả chứng minh Hà Nội đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, phục vụ phát triển thành phố thông minh.

 

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại sự kiện

 

Trước những mục tiêu đã đưa ra, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố cần xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngóc ngách đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghệ mới. Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng này nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ. Ứng dụng công nghệ cần có chính sách thiết thực về tài chính để giúp các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Chủ tịch Hà Nội đề xuất đưa các chương trình liên quan đến công nghệ vào giảng dạy từ hệ phổ thông. Chính sách này sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, xóa mù công nghệ thông tin để trở thành cường quốc công nghệ trong 15 năm tới.

 

"Thành phố sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những thành phố đầu tiên có cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển", ông Chung nói.

 

Ngoài ra, thành phố sẽ tạo điều kện cho doanh nghiệp phát triển, chủ động rà soát, bãi bỏ những cái không cần thiết, bổ sung cái mới đồng thời kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương, thí điểm cơ chế đầu tư côn nghệ thông tin, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu tại các địa phương.

 

Theo vietq.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang