Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến những tồn tại của 5 dự án đầu tư, gồm: Dự án Nhà máy sơ sợi Đình Vũ; Nhà máy nhiên liệu Ethanol Dung Quất; Nhà máy bột giấy Phương Nam; Nhà máy đạm Ninh Bình và dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho biết, không chỉ có 5 dự án đã được đại biểu liệt kê mà một số dự án khác cũng đang tiềm ẩn nguy cơ, vướng mắc không được giải quyết kịp thời, có khả năng dẫn đến kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ thì các dự án này đều có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài hơn so với kế hoạch đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, thay đổi. Dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có chỉ đạo và giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên hiệu quả đạt được không cao.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tổng hợp, đánh giá triệt để, toàn diện những tồn tại của các dự án này, trong đó, tập trung đánh giá thực trạng của các dự án; quá trình điều hành, thực hiện các dự án; vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý, của các chủ đầu tư; xác định các giải pháp giải quyết đối với dự án theo các nguyên tắc: bảo vệ lợi ích của nhà nước; có phương án giải quyết triệt để để đảm bảo không thất thoát thêm vốn đầu tư của nhà nước; phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường cũng như mục tiêu đầu tư của dự án; xác định, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan để có biện pháp xử lý.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian vừa qua, tại một số dự án, ngoài bộ chủ quản, đã có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác trong quá trình kiểm tra, rà soát, đánh giá.
“Cụ thể như dự án Nhà máy sơ sợi Đình Vũ, nhà máy Ethanol đã được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, hiện đã có kết luận trình Thủ tướng xem xét” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo Quốc hội và cho biết thêm, với các dự án, như: Gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, hiện Bộ Công Thương đang tổ chức thanh tra và sẽ báo cáo Thủ tướng những biện pháp xử lý dứt điểm theo những nguyên tắc nói trên trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, qua 5 dự án tồn đọng nói trên, chúng ta cần rạch ròi, làm rõ hơn trong công tác quản lý nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước bởi qua đây đã bộc lộ những khiếm khuyết, lỗ hổng trong quản lý Nhà nước ở cả khung khổ pháp lý và thể chế, vai trò, trách nhiệm giữa bộ chủ quản với các bộ, ngành quản lý vốn Nhà nước và bộ, ngành quản lý quy trình, thủ tục đầu tư.
Về các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác đầu tư phát triển năng lượng và đảm bảo môi trường tại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là lĩnh vực ưu tiên của ngành Công Thương.
Theo đó, trong Tổng sơ đồ VII xác định, từ nay đến năm 2020 và 2025, các nguồn năng lượng thủy điện và nhiệt điện than vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng, đảm bảo cân đối nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội và tiêu dùng của quốc gia.
Tổng sơ đồ VII cũng chỉ rõ, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng truyền thống cần quan tâm phát triển những nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời, tăng cường bảo vệ môi trường.
Về công nghệ của các nhà máy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đều là công nghệ của các nước tiên tiến (các nước G7). Tuy nhiên, những hạn chế trong thời gian vừa qua tại các nhà máy điện là vấn đề thiết bị, đồng thời, một số nhà thầu không chấp hành hoặc không chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.
“Đây là bài học cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ đầu tư” - Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Về công tác phát triển sản xuất trong nước và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là nội dung chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan.
“Chúng ta đã hoàn thành đàm phán và ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và các nhóm đối tác” - Bộ trưởng nói và cho biết, thực hiện các FTA này, khoảng 90% sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã được xóa bỏ hàng rào thuế quan hoặc hưởng mức thuế ưu đãi từ 0 - 5%. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường, chúng ta phải vượt qua được những hàng rào phi quan thuế (hàng rào hành chính, kỳ thuật, như: kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm...). Vì vậy, chúng ta phải đổi mới căn cơ từ sản xuất thì mới có khả năng tiếp cận thị trường.
Sau phần trình bày của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với nội dung giải trình của người đứng đầu ngành Công Thương và mong muốn Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong việc tiếp thu và giải quyết dứt điểm những ý kiến kiến nghị của các đại biểu và cử tri cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Cần phải xem xét lại trách nhiệm của bộ chủ quản cũng như các bộ chuyên ngành liên quan đến chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư, từ chiến lược, quy hoạch đến các nội dung cụ thể của dự án đầu tư. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm quản lý của các cấp quản lý, của các chủ đầu tư, đặc biệt là đối với những tồn tại, thậm chí, không loại trừ những hành động cố ý vi phạm pháp luật của Nhà nước trong quản trị, điều hành công tác đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước” . |
Nguồn Báo Công Thương điện tử