Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhắc lại giấc mơ của những thành viên sáng lập ASEAN từ 52 năm trước, với mục tiêu đưa ASEAN trở thành một khu vực ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế và xã hội. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, trong toàn bộ quá trình hơn năm thập kỷ qua, nếu không cùng nhau chung tay góp sức để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thì chắc chắc sẽ không có một khối ASEAN vững mạnh như ngày nay.
Là Chủ tịch AEM 51, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nhấn mạnh trong năm 2019, Thái Lan với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đã tiến hành xúc tiến kế hoạch phát triển kinh tế của ASEAN theo đúng lộ trình.
Ngoài ra, Thái Lan cũng thúc đẩy việc thực hiện những kế hoạch trong lộ trình mà từ trước đến nay ASEAN chưa từng xúc tiến. Một trong số đó là việc phát triển kinh tế số.
Thái Lan cũng đang lên kế hoạch phát triển cho một nền công nghiệp và nguồn nhân lực để có thể đón đầu xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai, đồng thời cũng áp dụng kinh tế số cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là các bước chuẩn bị để ASEAN có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.
Trong khuôn khổ AEM 51 diễn ra tại Bangkok từ 3-10/9, một loạt hội nghị liên quan cũng được tổ chức bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 33, Hội nghị liên bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 22, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN và các nước đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 7, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mekong-Nhật Bản (EMM) lần thứ 11, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 11...
Chia sẻ với Phóng viên bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là chuỗi các hoạt động chính trong kênh hợp tác kinh tế ASEAN, là dịp để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối tiến hành trao đổi, ký kết các thỏa thuận hợp tácvề kinh tế, thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối, thống nhất nội dungcác văn kiện trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Thái Lan.
Hội nghị AEM 51 dự kiến thảo luận các ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại trong năm 2019của ASEAN do nước Chủ tịch ASEAN năm 2019 là Thái Lan đề xuất;ràsoát tổng thể lộ trình thực hiện những cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên năm 2019 nhằm hướng tới hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, trong đótập trung vào các nội dung: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN…
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chụp ảnh chung với các trưởng đoàn. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
Tại Hội nghị này, Việt Nam sẽ ký Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA). Trừ Philippines, đến nay đã có 9 nước ASEAN ký kết Hiệp định này nhằm tự do hóa sâu rộng hơn nữa lĩnh vực thương mại dịch vụ trong khối ASEAN.
Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN sẽ kiểm điểm lại các kết quả hợp tác mà ASEAN với các đối tác đã đạt được trong quá trìnhthực thi các hiệp định thương mại tự dogiữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Trung Quốc, cũng như định hướng nâng cấp các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hiện có với các đối tác này trong thời gian tới. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình và tiến triển hợp tác với các đối tác khác như Canada, Nga và Hoa Kỳ và đưa ra định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, bên lề Hội nghị AEM 51, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 7 sẽ được tổ chức vào ngày 8/9/2019 nhằm thảo luận mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2019 như các Nhà Lãnh đạo đã chỉ đạo tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 2 vào tháng 11 năm 2018 tại Singapore.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tham gia ASEAN là bước đi đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã ký kết các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, Ấn Độ và vùng lãnh thổ Hồng Công (Trung Quốc). Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang cùng các nước ASEAN đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với 6 nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand nhằm đạt được một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, đồng thời thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực. Một số đối tác khác như Canađa, Liên bang Nga cũng đang xem xét khả năng thiết lập FTA với ASEAN.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đến nay chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong thúc đẩy đạt được tiến bộ trong đàm phán RCEP. Có thể nói trong năm 2019 này, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tiến bộ giữa các nước đối tác chính của ASEAN như là Ấn Độ, Australia, New Zealand, Trung Quốc với các nước ASEAN. Như chúng ta đã biết, quan điểm và nguyên tắc của ASEAN là phải có quan điểm thống nhất giữa các nước ASEAN trong đàm phán về các lĩnh vực, kể cả về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và những lĩnh vực phi truyền thống khác. Do có những sự khác biệt về trình độ phát triển cũng như những đặc thù phát triển của mỗi quốc gia, nhất là các đối tác của ASEAN, nên trong thời gian đàm phán của các vòng đàm phán trước thì còn có rất nhiều các khác biệt trong những bản chào của các nước, kể cả trong các điều kiện tiếp cận thị trường, cắt giảm thuế quan, cũng như trong việc mở cửa thị trường vực dịch vụ, đầu tư, hàng hóa, cũng như những vấn đề khác như doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử. Đến nay, những khác biệt đó đang ngày càng được thu hẹp lại và đã có những tiến bộ rất cơ bản trong thị trường hàng hóa cũng như là các bản chào về thuế quan. Ngoài ra, những lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước và những nội dung khác liên quan đến thương mại điện tử cũng có những lắng nghe và chia sẻ quan điểm giữa một số nước đối tác với nhau cũng như là với ASEAN để tìm cách thu hẹp khoảng cách. Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 sắp tới, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ đưa ra những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để giải quyết nốt những tồn tại trong những quan điểm về nội dung đàm phán đề từ đó có thể tuyên bố kết thúc đàm phán RCEP trong năm 2019. Tất nhiên, chúng ta hy vọng vào những điều tốt nhất, nhưng nếu có thể có một số vướng mắc thì cũng phải nỗ lực để trong đầu năm 2020 có được thỏa thuận này để sau đó có thể xem xét ký kết Hiệp định RCEP.
Về lợi ích, sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 31,8 tỷ USD trong năm 2018.
Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào khu vực kinh tế ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, việc thực hiện các cam kết trong ASEAN đã góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, giúp ta nâng cao năng lực thể chế và tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Thách thức luôn đi liền với lợi ích. Việc tự do thâm nhập thị trường các nước ASEAN cũng gắn liền với việc hàng hóa trong nước của ta phải cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu từ các nước ASEAN. Nhìn chung, các doanh nghiệp của ta đã nắm bắt được cơ hội của quá trình hội nhập kinh tế trong ASEAN để nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường thâm nhập thị trường ASEAN, bước đầu tham gia được vào các chuỗi giá trị trong khu vực, chẳng hạn các doanh nghiệp điện tử, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may, phương tiện vận tải…
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cũng có ngành gặp phải khó khăn nhất định. Theo Hiệp định Ưu đãi Thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) có hiệu lực từ năm 1996 và được kế tục bằng Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ năm 2010, Việt Nam đã xóa bỏ thuế quan với 98% số dòng thuế hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018. Cũng theo cam kết trong Hiệp định ATIGA, lẽ ra Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên, do tình hình khó khăn của người nông dân trồng mía và ngành đường trong nước, Việt Nam đã kiên trì thuyết phục các nước ASEAN cho phép Việt Nam trì hoãn việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường thêm 2 năm để có thêm thời gian khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) ngày 23/4/2019, các nước ASEAN đã thể hiện linh hoạt, chấp nhận cho Việt Nam hoãn thực thi cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN đến hết ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng nhấn mạnh đề nghị Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết kể từ ngày 1/1/2020 vì các nước đã dành linh hoạt hết mức cho Việt Nam trong khi tất cả các nước ASEAN khác đã thực hiện cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan với đường, kể cả Indonesia và Philippines là hai nước có bảo lưu tự do hóa mặt hàng đường cũng đã thực hiện tự do hóa từ năm 2015. Các nước ASEAN cũng lưu ý nếu Việt Nam không thực hiện cam kết đúng thời hạn trên thì các nước có thể xem xét biện pháp trả đũa.
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành thuộc trụ cột kinh tế trong hợp tác ASAEN xây dựng cách tiếp cận, chủ đề và các ưu tiên của trụ cột kinh tế cho Năm ASEAN 2020 trên cơ sở các nguyên tắc sau:Các mục tiêu chung của ASEAN trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025;Quá trình hợp tác kinh tế của ASEAN trong thời gian qua, bao gồm các ưu tiên của ASEAN trong các năm trước; và Tính phù hợp với lợi ích của các nước ASEAN và Việt Nam.
Trên cơ sở các mục tiêu này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị và sẽ sớm hoàn thành việc xây dựng các ưu tiên trong trụ cột kinh tế của Việt Nam cho Năm ASEAN 2020.
Theo Văn phòng Bộ