Tham dự buổi tiếp của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có đại diện Tổng cục Năng lượng; các Cục: Xúc tiến thương mại, Xuất nhập khẩu, Quản lý cạnh tranh; các Vụ: Công nghiệp nặng, Chính sách Thương mại đa biên, Hợp tác quốc tế, Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương. Tháp tùng Bộ trưởng Keith Pitt có Đại sứ Úc tại Việt Nam, Cố vấn Bộ trưởng Pitt, đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và các đại diện khác từ Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.
Tại buổi hội đàm, hai Bên đã trao đổi về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp năng lượng Việt Nam – Úc và một số vấn đề nổi cộm liên quan đến hội nhập kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong thời gian qua; đồng thời bày tỏ tin tưởng Bộ trưởng Keith Pitt sẽ tiếp tục quan tâm và có những đóng góp to lớn cho việc mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Keith Pitt cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Bộ Công Thương, khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Úc tại khu vực và giữa hai nước còn nhiều triển vọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác ở cả góc độ song phương và đa phương.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về các khuôn khổ hợp tác đa phương mà cả hai Bên cùng tham gia như RCEP, TPP, APEC. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Úc trong các khuôn khổ hợp tác khu vực, trong quá trình đàm phán TPP, RCEP. Việt Nam cũng đã rất nỗ lực trong đàm phán và luôn sẵn sàng phối hợp với các nước để bàn về những bước tiếp theo của TPP cũng như thúc đẩy và sớm kết thúc đàm phán RCEP. Trước những thách thức đặt ra đối với TPP trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các nước thành viên TPP nhằm tìm kiếm phương án, giải pháp phù hợp cho Hiệp định này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng các hoạt động đa phương, trong đó có TPP, RCEP có vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào quá trình hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hai Bộ trưởng nhất trí giao Trưởng đoàn đàm phán, Phó trưởng đoàn đàm phán TPP của mỗi nước tiếp tục trao đổi ở cấp kỹ thuật để chuẩn bị nội dung và báo cáo kiến nghị lên Hội nghị của các Bộ trưởng TPP dự kiến được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC trong tháng 5/2017.
Về hợp tác song phương, hai Bên đều khẳng định quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng, khoáng sản đã có những tiến triển tốt đẹp trong thời gian qua. Trong lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác hai Bên trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng (than đá, dầu mỏ), phát triển công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp hai nước. Bộ trưởng Công Thương cho biết Việt Nam trong thời gian tới có nhu cầu cao trong hợp tác lĩnh vực điện năng, khí đốt, công nghiệp hóa dầu. Do vậy, hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong các lĩnh vực này sẽ là hợp tác dài hạn và có tính bền vững.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, với quy mô dân số đạt gần 100 triệu dân, với vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực, Việt Nam là thị trường tiềm năng và là cửa ngõ cho các sản phẩm nông nghiệp của Úc như thịt bò, sữa và sản phẩm sữa, trái cây... Ngược lại, trái cây tươi của Việt Nam cũng đã đáp ứng được các yêu cầu cao và được cấp phép vào thị trường Úc như quả vải, quả xoài và sắp tới là thanh long. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, việc hợp tác giữa Việt Nam và Úc không nên giới hạn trong phạm vi mở cửa thị trường hai bên mà nên mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thông qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Úc.
Kết thúc buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò của Úc trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong các khuôn khổ hợp tác đa phương tại khu vực và trên thế giới mà hai Bên cùng là thành viên. Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tăng cường hợp tác lâu dài và bền vững với Úc; tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên.
Nguồn MOIT