Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm , Bộ Y tế đã có Tờ trình số 78/TTr-BYT ngày 20/01/2025, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung bất cập, bức thiết cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và quy trình ban hành Nghị định này.
Ngày 24/01/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 704/VPCP-KGVX thông báo về việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế, cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Theo đó, Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập báo cáo những nội dung bức thiết cần được đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình chuẩn bị hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong hồ sơ nhóm thực phẩm nhập khẩu phải đăng ký bản công bố sản phẩm (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt…), Bộ Y tế bỏ quy định dịch và công chứng tài liệu pháp lý tiếng Anh sau khi đã chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự (Giấy chứng nhận lưu hành tự do - FSC hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu - EC hoặc Giấy chứng nhận y tế - HC, giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt - GMP …); Quy định bản chính hoặc bản sao chứng thực của giấy tờ pháp lý được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định; Chấp nhận bản điện tử giấy tờ pháp lý là bản chính hoặc bản sao chứng thực của giấy tờ pháp lý được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định hoặc Kết quả tự tra cứu giấy tờ pháp lý từ trang thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu tiếng Anh của cơ quan cấp giấy tờ pháp lý hoặc cơ quan có thẩm quyền các nước có đóng dấu xác nhận của cơ sở kèm theo văn bản cung cấp thông tin về đường dẫn tra cứu.
Cho phép tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm công bố chỉ cần dịch sang tiếng Việt những nội dung cần thiết liên quan đến kết luận nghiên cứu chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và liều dùng, lưu ý, cảnh báo, độ tin cậy nghiên cứu của tài liệu khoa học tiếng Anh và chịu trách nhiệm đối với nội dung dịch thuật thay vì phải dịch, công chứng toàn bộ tài liệu tiếng Anh. Đồng thời, khi phát hiện không trung thực đối với nội dung dịch thuật sẽ thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Cho phép sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của cơ sở sản xuất đạt Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc tương đương mà không cần phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận.
Giảm thời gian nộp bổ sung sau khi tổ chức, cá nhân nhận được công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ của cơ quan quản lý xuống còn 30 ngày(quá thời gian hồ sơ không còn giá trị) và số lần nộp bổ sung tối đa là 03 lần.
Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm nhằm mục đích từ thiện, không dùng mục đích kinh doanh không phải công bố, nhưng phải đăng ký kiểm tra nhà nước và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn của sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, bảo quản sản phẩm theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất trên nhãn sản phẩm, sử dụng sản phẩm với mục đích cứu trợ, đúng đối tượng sử dụng và không được để sản phẩm lưu hành ra thị trường.
Bỏ thành phần hồ sơ đăng ký xác nhận quảng cáo: (1) Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân) và (2) Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân) tại điểm b, c khoản 4 Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và Bỏ “Phương tiện quảng cáo” tại Mẫu đơn số 10, Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đối với 02 thủ tục hành chính đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo năm 2012.
Bỏ giấy chứng nhận GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước trong thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm trong nước.
Bỏ quy định về việc đăng ký bản công bố sản phẩm đối với Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Cắt giảm, đơn giản hóa thành phần Giấy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất trong hồ sơ Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lý do: thông tin này tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cắt giảm, đơn giản hóa thành phần Giấy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất trong hồ sơ Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cắt giảm, đơn giản hóa yêu cầu về hồ sơ đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm đang được quy định tại Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước (đơn giản hóa 04/09 tài liệu trong thành phần hồ sơ đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước.
Tăng cường hậu kiểm
Song song với việc cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chinh, Bộ Y tế điều chỉnh một số nội dung về hậu kiểm, kiểm soát toàn diện chất lượng thực phẩm như: Kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm cùng với kiểm soát tính năng công dụng. Quy định chỉ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm được phép đứng tên trong hồ sơ công bố. Trường hợp không phải 02 chủ thể trên thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải có giấy ủy quyền của cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm. Quy định này phù hợp thông lệ quốc tế về quản lý các hàng hoá nói chung và thực phẩm nói riêng, tại Việt Nam cũng đã áp dụng trong quản lý đối với lĩnh vực đăng ký thuốc và công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Bổ sung mục thuyết minh thành phần đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Biểu mẫu số 02. Bản công bố sản phẩm Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP để tối ưu hóa công thức, kiểm soát tính năng, công dụng sản phẩm: mục công thức sản phẩm gồm thành phần và phụ liệu. Đối với thành phần của sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: yêu cầu công thức chỉ thành phần tạo công dụng sản phẩm và thành phần giúp ổn định công thức sản phẩm (chống oxy hóa, tránh tương tác, tương kỵ các thành phần tạo công dụng). Nội dung này không phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ nêu cụ thể làm rõ hơn trong nội dung tài liệu chứng minh công dụng của sản phẩm.
Kiểm soát thay đổi sản phẩm sau công bố: bổ sung thêm trường hợp phải công bố lại nếu có sự thay đổi về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; cơ sở sản xuất, xuất xứ; tên sản phẩm; thành phần; công dụng, đối tượng; liều sử dụng; khối lượng thành phần tạo công dụng sản phẩm, dạng bào chế.
Về kiểm soát, nâng cao chất lượng sau khi công bố sản phẩm thực phẩm để phục vụ công tác hậu kiểm bổ sung quy định thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc không tiếp tục công bố trên trang thông tin điện tử cơ quan quản lý đối với trường hợp thực phẩm tự công bố, trường hợp cơ quan quản lý phát hiện sản phẩm công bố không sản xuất kinh doanh trong vòng 03 năm sau khi công bố.
Đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, nếu triển khai áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực thì lưu trữ hồ sơ thông tin sản phẩm theo quy định của Hệ thống này.
Bổ sung điều khoản quy định về việc thu hồi và dừng tiếp nhận Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó quy định cụ thể về các trường hợp phải thu hồi và thẩm quyền thu hồi,…
Hiện nay, thị trường thực phẩm trong nước phát triển mạnh về số lượng, chủng loại mặt hàng và phát sinh hình thức kinh doanh trên ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng thương mại, việc cắt giảm, bổ sung các nội dung tại Nghị định 15/2028/NĐ-CP của Bộ Y tế phù hợp với thực tiễn, vừa giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thực phẩm vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh; từ đó thúc đẩy thị trường thực phẩm trong nước phát triển bền vững.
MnK