Thứ Sáu, 22/11/2024 12:22:53 GMT+7
Lượt xem: 3423

Tin đăng lúc 25-11-2015

Bom tấn cuối năm trong ngành dược phẩm

Ireland chuẩn bị đón chào sự xuất hiện của một “gã khổng lồ” ngành y dược với quy mô lớn chưa từng có, sau khi hai đại gia Pfizer và Allergan đồng ý sáp nhập với nhau trong một thương vụ mà giá trị của nó suýt soát GDP của quốc gia này.
Bom tấn cuối năm trong ngành dược phẩm
Ireland là điểm đến hấp dẫn nhất toàn cầu đối với dòng vốn FDI của Mỹ

Cả hai công ty dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD cùng nhiều lợi ích đáng kể về thuế nhờ thỏa thuận này.

 

Miền đất hứa Ireland

 

Ngay đầu tuần 23/11, thế giới chứng kiến kỷ lục M&A bị xô đổ, khi Pfizer và Allergan tuyên bố thỏa thuận sáp nhập 160 tỷ USD, gộp chung hai danh mục thuốc vô cùng phong phú, từ thuốc ung thư hay văc-xin của Pfizer cho đến thuốc mắt và liệu pháp chăm sóc da của Allergan và trở thành hãng dược phẩm lớn nhất thế giới với doanh thu lên đến 63,5 tỷ USD, sử dụng 110.000 nhân viên và đầu tư mỗi năm 9 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu. Trong khi đó, theo dữ liệu của Bloomberg, GDP Ireland năm 2014 xấp xỉ 200 tỷ USD còn giá trị thị trường của hai công ty dược tổng cộng là 312 tỷ USD.

 

Pfizer và Allergan đã sắp xếp để công ty Ireland, với quy mô nhỏ hơn, đóng vai trò “kẻ thâu tóm” và để cổ đông Allergan kiểm soát 44% cổ phần trong công ty hậu sáp nhập. Đây được coi là “chiêu” né quy định của Bộ Tài chính Mỹ mới ban hành tuần trước, trong đó cấm doanh nghiệp Mỹ đặt trụ sở ở nước ngoài để tránh thuế, bởi nếu Allergan mua lại Pfizer, thì việc Pfizer phải chuyển tới “nơi ở mới” trở thành chuyện thường tình và không ai có thể cấm cản được.

 

Trong vài chục năm trở lại đây, hàng loạt công ty Mỹ đã và đang ồ ạt đổ bộ lên đất Ireland để hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có 12,5%, hấp dẫn hơn rất nhiều so với 35% ở Mỹ.

 

Pfizer đang sản xuất nguyên liệu thuốc Viagra ở Cork, phía Nam của Ireland, trong khi Allergan sản xuất Botox tại Mayo ở phía Tây. Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy làn sóng đầu tư vào Ireland sẽ nguội đi, ngay cả khi cơ quan chức năng châu Âu tiến hành điều tra một thỏa thuận ưu đãi thuế giữa quốc gia này với Apple cũng như chủ trương của chính phủ Ireland là không mặn mà với những giao dịch vì động cơ thuế, mà không tạo ra công ăn việc làm tại địa phương.

 

Đối với thương vụ Pfizer - Allergan cũng vậy, Bộ trưởng Tài chính Ireland, ông Michael Noonan, tỏ ra khá thoải mái, bởi cả hai đều có nhiều hoạt động nghiên cứu sản xuất và nhân sự tại đây, chứ không phải chỉ đặt trụ sở để hưởng chính sách thuế. Vấn đề khiến ông Noonan quan tâm là thỏa thuận trên “có thể tạo ra thêm việc làm thay vì cắt giảm nhân sự” hay không.

 

Năm hồi sinh M&A

 

Pfizer hiện đang sử dụng 3.300 nhân viên ở Ireland và đầu tư 7 tỷ USD vào quốc gia này từ năm 1969. Trong khi đó, Allergan có hơn 1.000 lao động ở Westport thuộc hạt Mayo. Theo thống kê của Phòng Thương mại Mỹ tại Ireland, tổng cộng có 140.000 người đang làm việc cho hơn 700 công ty Mỹ tại quốc gia châu Âu với dân số chỉ có 4,6 triệu này.

 

Không phải nơi nào khác mà Ireland chính là điểm đến hấp dẫn nhất trên toàn cầu đối với dòng vốn FDI của Mỹ trong lĩnh vực hóa chất, trong khi xuất khẩu dược phẩm của Ireland xếp thứ bảy trên thế giới.

 

Khi năm 2015 vẫn còn hơn 5 tuần nữa mới kết thúc, vụ sáp nhập Pfizer - Allergan đã đẩy giá trị giao dịch M&A toàn cầu cả năm sớm cán mốc 3.420 tỷ USD và vượt qua mức đỉnh 3.400 tỷ USD thiết lập vào năm 2007.

 

Sự bùng nổ này có được là nhờ hàng loạt thương vụ “khủng” mà suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009 đến nay thị trường ít được chứng kiến. Riêng năm 2015 đã có 8 giao dịch, với giá trị từ 50 tỷ USD trở lên, so với 2 giao dịch năm 2014 và duy nhất chỉ có 1 năm 2013.

 

Ngoài các thương vụ dược phẩm - lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng M&A năm nay xấp xỉ 75% - ngành hàng tiêu dùng, năng lượng và công nghệ cũng tạo dấu ấn với một số “bom tấn”. Đầu tháng 11 này, Anheuser - Busch InBev NV đã bạo chi 107 tỷ USD mua lại SABMiller để hợp nhất hai hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới. Trước đó 7 tháng, Royal Dutch Shell thâu tóm thành công BG Group với giá khoảng 71 tỷ USD trong thương vụ lớn nhất của ngành dầu khí 10 năm qua.

 

Nguồn: Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang