Thứ Hai, 25/11/2024 22:35:12 GMT+7
Lượt xem: 3699

Tin đăng lúc 16-05-2018

Bốn động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Ngày 15/5, tạp chí Nhà Đầu tư và Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã tập trung phân tích, đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn và dài hạn, từ đó đưa ra các nhận định về động lực mới và giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững cho nền kinh tế.
Bốn động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”. Ảnh Báo Đấu thầu

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, 4 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế đã đạt kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38% - mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp, số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%, xuất siêu đạt khoảng 3,39 tỷ USD...

 

“Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng để có thể tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên vẫn rất cần sự nỗ lực và tập trung lớn của các cấp, ngành từ trung ương tới địa phương, các thành phần kinh tế để giữ vững đà tăng trưởng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

 

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cũng đã đưa ra và phân tích một số vấn đề là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 

Trong đó cải cách thể chế được nhận định là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất. Theo ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dù đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Đơn cử, Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4 nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Chính phủ cũng chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh nhưng từ tháng 8/2017 đến nay vẫn chưa có nhiều Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.

 

Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo.

 

Khu vực kinh tế tư nhân cũng được nhận định là động lực quan trọng, bảo đảm tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm tới khu vực kinh tế này. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) mong muốn, cải các thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Trọng tâm hiện nay là sự chuyển động của cả hệ thống, đồng thời nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Đây là hai việc cần làm ngay và làm nhanh nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, kinh tế tư nhân mới phát triển được. Cùng đó, thể chế bộ máy để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển.

 

Về năng suất lao động, giai đoạn từ năm 1991-2017, năng suất lao động tăng bình quân 4,8%/năm, so với các quốc gia trong khu vực không hề thấp, như: Singapore 2,3%, Indonesia 3,2% nhưng về số tuyệt đối thì rất thấp, trong khu vực chỉ nhỉnh hơn Bangladesh, Campuchia. Nguyên do, trình độ nhân lực còn thấp; đầu tư cho công nghệ chỉ chiếm 0,5% doanh thu của doanh nghiệp, so với mức bình quân châu Á là 2,5%... Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ tự động hóa sẽ tạo ra diện mạo mới cho các ngành nghề trong nền kinh tế. Việc bám sát và ứng dụng công nghệ là giải pháp rất tốt, gỡ nút thắt về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay.

 

Tại phiên thảo luận, vai trò của thu hút đầu tư nước ngoài trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế, đến năm 2020 Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chất lượng dự án chưa cao, chuyển giao công nghệ từ khu vực kinh tế này cũng chưa đạt kỳ vọng. Với câu hỏi, làm sao để nâng cao chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao năng lực bộ máy giúp việc cho các cơ quan quản lý; coi trọng hơn nhà đầu tư lớn; xúc tiến đầu tư tập trung, tránh dàn trải như hiện nay. 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang