Thứ Sáu, 22/11/2024 12:10:38 GMT+7
Lượt xem: 360

Tin đăng lúc 30-11-2023

Bốn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả trên thương mại điện tử

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra 4 giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.
Bốn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả trên thương mại điện tử
Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử” tại TP. Hồ Chí MInh là Hội thảo thứ 3 được Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức trong vòng 1 tháng

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

 

Ngày 29/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử” cho 21 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đây là Hội thảo thứ 3 liên tiếp được Tổng cục tổ chức trong vòng một tháng nhằm triển khai thực hiện Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2023.

 

Tại Hội thảo, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh đến sự cấp thiết, cần thiết của Đề án 319 trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.

 

Cụ thể, theo ông Linh, trong năm 2023, sức sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, trong nội địa, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đóng cửa, trả lại mặt bằng. Ở ngoài Bắc, chợ Ninh Hiệp - một trong những thủ phủ của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phân phối đi cả nước nhưng hiện nay, tình hình kinh doanh đìu hiu, im ắng. Trong khi đó, ở miền Nam, tình trạng này còn nặng nề hơn nhiều.

 

Dù tình hình sản xuất kinh doanh còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, song sức mua sắm của người dân không hề thuyên giảm mà chuyển từ phương thức mua sắm trực tiếp sang hình thức mua sắm online.

 

"Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online" - ông Trần Hữu Linh nhận định và dẫn chứng, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

 

Bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Bởi, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trong 10 tháng năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

 

Trước thực tế này, theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, Đề án 319 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, chống hàng giả; đồng thời bảo vệ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần bảo đảm hoạt động thương mại điện tử diễn ra minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

 

Nghị định 52 về Thương mại điện tử cùng các Nghị định khác đến thời điểm hiện tại vẫn còn hiệu lực, song thương mại điện tử phát triển bùng nổ, phát sinh ra vô vàn những hành vi vi phạm mới, do vậy, Đề án 319 ra đời là cần thiết và cấp bách. Bởi hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80%-90% hàng giả được mua - bán trên mạng” - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nêu thực tế.

 

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử... Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, phá sóng... thậm chí là ma túy, chất kích thích đã và đang diễn ra tràn lan.

 

Để ngăn chặn những hành vi vi phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lực lượng Quản lý thị trường, song, lực lượng không thể “đơn phương độc mã” trong cuộc chiến này được bởi, kiểm soát hàng vi phạm thương mại điện tử rất khó và cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng và các sàn thương mại điện tử” - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh và khẳng định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới.

 

Chung quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

 

Đại diện cho Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Phương Minh cho biết, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn. Từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng đặc biệt quan trọng như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng (làm đẹp cho phụ nữ), mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu...

 

“Không chỉ riêng hàng hiệu mà hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín là bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm”, ông Nguyễn Phương Minh thông tin và nhấn mạnh, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này; Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh... sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

Giải pháp nào để phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử?

 

Trước vấn nạn hàng giả trên thương mại điện tử, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phan Mạnh Hà - đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, tính đến hết tháng 11/2023, Shopee nhận được 0,0007% khiếu nại về hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên tổng các đơn hàng; 74,8% khiếu nại được chấp thuận và xử lý trong vòng 7 ngày; 0,1% khiếu nại được bên khiếu nại thu hồi...

 

Thời gian qua, Shopee bảo vệ người mua - bán bằng cách giữ số tiền giao dịch cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán cho người bán nếu: Người mua hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 7 ngày (đối với Shop Mall) hoặc 3 ngày (đối với Shop không thuộc Mall) kể từ khi nhận được hàng, hoặc người mua đã nhấn “Đã nhận được hàng” (đối với Shop không phải là Shopee Mall), hoặc khi người mua đã gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền và Shopee đã xử lý xong...

 

Bên cạnh các giải pháp trên, Shopee cũng triển khai cơ chế tố cáo/báo cáo vi phạm và xử lý tố cáo. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng tính năng tố cáo trên ứng dụng di động Shopee để gửi báo cáo về sản phẩm hoặc hành vi vi phạm hàng giả/nhái bất cứ lúc nào. Bộ phận kiểm duyệt sẽ tiếp nhận thông tin và có cơ chế xử lý nếu nội dung và bằng chứng tố cáo chính đáng. Các đăng bán và nhà bán hàng vi phạm sẽ bị áp dụng chính sách chế tài từ Shopee với mức độ nhẹ (nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ đăng bán) đến mức độ nặng nhất (xóa bỏ đăng bán, khóa tài khoản vĩnh viễn) tùy theo vi phạm...

 

Tương tự, bà Vũ Thị Minh Tú - đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cho biết, hiện tại Lazada đang chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sử hữu trí tuệ; tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng công nghệ quản trị sàn.

 

“Thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng, chống hàng giả, Lazada đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và các thương hiệu. Trong đó, hợp tác và ký kết Biên bản ghi nhớ với các cơ quan thực thi pháp luật (Cục Sở hữu trí tuệ (DIP) tại Thái Lan, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Philippines (IPOPHL), Cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KOIPA), Bộ Thương mại và Các vấn đề người tiêu dùng (MDTCA) tại Malaysia)…; Hợp tác với các thương hiệu và hiệp hội thương mại: Mạng lưới Chống Hàng giả (React), Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Thương hiệu Quốc tế (INTA), Viện An ninh Dược phẩm (PSI)...

 

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các thương hiệu, các nước xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó gắn trách nhiệm cho các gian hàng trên sàn. Đồng thời, Lazada cũng sẽ hướng dẫn điều kiện đổi hàng, trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý nghiêm những gian hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng” - bà Vũ Thị Minh Tú thông tin.

 

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, theo ông Trần Hữu Linh, từ nay đến năm 2025 lực lượng Quản lý thị trường cả nước phải chú trọng vào 4 nhiệm vụ chính:

 

Thứ nhất, hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các văn bản chính sách pháp luật để bám sát thực tiễn; tránh sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

 

Thứ hai, tạo sự chuyển biến trong nhận thức tiêu dùng của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh hoạt động chuyên môn kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường. Do vậy từ cuối năm 2018 đến nay, Tổng cục cũng như Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã mở cửa các không gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, từ đó, góp phần nâng cao ý thức người tiêu dùng, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả.

 

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Quản lý thị trường thông qua các buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh 24/7, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mọi lúc mọi nơi.

 

Thứ tư, mục tiêu cao nhất của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả trên không gian mạng là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

 

Hiện thực hóa các nhiệm vụ này, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

 

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới Quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

 

Đặc biệt, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.

 

Theo Congthuong

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang