Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 10 tháng qua, các doanh nghiệp hồ tiêu chi ra 108 triệu USD (tương đương 2.700 tỷ đồng) để nhập khẩu hồ tiêu. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh 38,2%. Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil, Indonesia và Campuchia.
Ở chiều ngược lại, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ tiêu là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng năm 2024, đạt 1,12 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ sau 10 tháng nhưng ngành hàng này đã sớm vượt mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên sau 6 năm.
Đà tăng trưởng ấn tượng này đến từ việc giá tiêu tăng cao do nguồn cung toàn cầu suy giảm trong khi nhu cầu phục hồi mạnh tại các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy, dù là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu hồ tiêu tốp đầu thế giới song từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vẫn phải chi một lượng tiền lớn gom mua mặt hàng này.
Hồ tiêu là mặt hàng được ví như “vàng đen” của nước ta. Hiện Việt Nam giữ ngôi vị số 1 thế giới về sản xuất lẫn xuất khẩu. Trong đó, sản lượng hồ tiêu của nước ta chiếm 40%, xuất khẩu chiếm 60% thị phần trên thế giới.
Tuy nhiên, thời gian trước, giá tiêu ở mức rất thấp, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi dẫn tới sản lượng tiêu sụt giảm mạnh. Do đó, các doanh nghiệp ngành hàng này phải đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia, Brazil và Indonesia về phục vụ sản xuất nhằm củng cố ngôi đầu thế giới mà Việt Nam đã nắm giữ hơn 2 thập kỷ qua.
“Ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo đó, năm nay nông dân trồng tiêu được hưởng lợi nhờ giá bán tăng quá cao. Ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại không mua được nhiều tiêu trong nước. Đây cũng là một phần lý do Phúc Sinh đã phải nhập khẩu hồ tiêu rất nhiều từ Brazil và Indonesia trong năm nay. Nguyên nhân là bởi, sản lượng giảm, bà con giữ hồ tiêu lại đầu cơ. Cùng với đó, tình trạng hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu trong nước ngày càng khó khăn”, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh - cho biết.
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, giá hồ tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong 10 - 15 năm tới, với khả năng đạt đỉnh 350.000 - 400.000 đồng/kg. Các yếu tố như nguồn cung hồ tiêu hạn chế do El Nino và nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu sạch, hữu cơ tại các thị trường phát triển được xem là động lực tăng trưởng dài hạn cho ngành tiêu.
Giải pháp và định hướng phát triển, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam khuyến nghị ngành hồ tiêu Việt Nam tập trung vào chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phát triển thương hiệu. Việc sản xuất tiêu sạch, tiêu hữu cơ và ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà bán lẻ lớn ở châu Âu sẽ giúp ổn định đầu ra và tăng cường sức cạnh tranh cho hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Congthuong.vn