Chủ Nhật, 24/11/2024 18:44:37 GMT+7
Lượt xem: 2064

Tin đăng lúc 26-02-2019

Bước chuyển trong cạnh tranh hàng ngoại

Để cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đang ồ ạt tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải chuyển mình, thậm chí mô hình tiệm tạp hóa tại Việt Nam cũng đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hóa bắt đầu quan tâm đến việc tối ưu hóa kinh doanh.
Bước chuyển trong cạnh tranh hàng ngoại

Tại lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 mới đây, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho biết, các sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ đa số người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng (89% và 93%).

 

Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là các sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan của người tiêu dùng ngày càng rõ rệt.

 

Xu hướng dùng hàng ngoại

 

Các con số thống kê hàng năm đều chỉ ra nhu cầu sử dụng hàng nhập khẩu đang tăng và theo hướng ngày càng nhanh.

 

Kết quả khảo sát của BSA cho thấy siêu thị là nơi được người tiêu dùng thường đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng.

 

Kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi (bao gồm tạp phẩm của hộ gia đình). Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng, nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống.

 

Trong khi đó, thời gian qua, xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ, song vẫn đứng cuối bảng.

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch BSA, cho biết ba trong bốn kênh phân phối hàng hóa là siêu thị và mua sắm online, cửa hàng tiện lợi đang có sự góp mặt ngày càng nhiều của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

 

Có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa từ ba nước này được lòng người tiêu dùng Việt. Đầu tiên là yếu tố chất lượng (mà người tiêu dùng cảm nhận như ngon/hợp khẩu vị; bền/chất liệu tốt) và tính an toàn khi sử dụng là hai yếu tố được người tiêu dùng hiện nay quan tâm hơn cả.

 

Các yếu tố thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng chỉ đứng vị trí thứ hai. Trong khi đó, BSA cho rằng các yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và không còn là yếu tố lựa chọn tiên quyết.

 

"Những yếu tố này, người tiêu dùng tìm thấy ở các sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan", bà Hạnh chia sẻ.

 

Có thể thấy, thời gian qua, hàng loạt thương vụ thâu tóm của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước nhằm gia tăng thị phần cho sản phẩm đã diễn ra nhanh chóng.

 

Có thể kể đến như Central Group (Thái Lan) đã thâu tóm Big C với hệ thống 32 siêu thị khắp cả nước, đồng thời cũng nắm 49% cổ phần Nguyễn Kim. Mega Market (với tên gọi cũ là Metro) có 19 siêu thị thuộc sở hữu của Tập đoàn TTC Holdings…


Thay đổi để cạnh tranh

 

BSA nhận định: "Không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm, các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động cảm xúc, thu hút và chinh phục người tiêu dùng".

 

Nhiều doanh nghiệp Việt đã, đang cảm nhận được sức cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại và xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các hiệp định khác giảm thuế mạnh mẽ hơn theo cam kết. Sân chơi mới mở ra cũng đồng thời sẽ khép lại những cơ hội nếu doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.

 

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu cũng như các nhà phân phối trong và ngoài nước cùng nhận định hàng Việt muốn chinh phục nhà phân phối, chinh phục người tiêu dùng, muốn đi xa, đi vững thì phải có tiêu chuẩn.

 

Nếu giới thiệu một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ chứng nhận tiêu chuẩn nào, chắc chắn các nhà phân phối, các đối tác nước ngoài sẽ lắc đầu, thậm chí họ không muốn nghe.

 

Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng là rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, muốn cạnh tranh, xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, đó là phải làm theo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu…

 

"Để ứng phó, có doanh nghiệp Việt giảm danh mục hàng hóa, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, mạng lưới phân phối… Một số doanh nghiệp không còn đẩy mạnh, mở rộng thị trường phía Bắc khi thấy không cạnh tranh nổi với hàng ngoại, cộng thêm chi phí vận chuyển cao", bà Hạnh thông tin.

 

Cũng theo khảo sát của BSA, nhiều chủ tiệm tạp hóa (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp.

 

Mô hình tiệm tạp hóa tại Việt Nam đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hóa bắt đầu quan tâm việc tối ưu hóa kinh doanh: không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra – vào hiệu quả, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản…; tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang