CôngThương - Diện mạo mới
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc, đặc biệt trong 15 năm gần đây. Tính đến năm 2013, 97% hộ nông thôn có điệ. Đây là thành tựu to lớn được quốc tế và nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo. Tổng số vốn cả nước đầu tư cho lưới điện nông thôn là hơn 48 nghìn tỷ đồng. Kết quả có được là do nhiều yếu tố: Nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu khai mạc.
Thời gian tới, việc cung cấp điện cho số hộ còn lại ở nông thôn còn nhiều thách thức. Số vốn đầu tư để đạt được 99% số hộ có điện là khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Do đó, Việt Nam cần sự “chung tay” để đưa điện đến vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN là đơn vị trụ cột thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn bằng các giải pháp phù hợp theo từng thời kỳ, giai đoạn. EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, cùng các tỉnh, thành trong cả nước hoàn thành và vượt các mục tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; thực hiện đúng cam kết của nước ta với các quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến.
Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa của nước ta đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là thành tích nổi bật của của Việt Nam trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nông thôn. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 đến 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần…
Ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, thành công của Việt Nam đã được thế giới công nhận và rất nhiều nước mong muốn được học hỏi kinh nghiêm Việt Nam. “WB cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp vốn đầu tư hạ tầng, đóng góp thực hiện chương trình điện khí hóa giai đoạn 2014 - 2020”, bà Victoria Kwakwa nói.
Để điện phủ kín thôn, xã
Điện khí hóa nông thôn đã đem lại sự chuyển biến rõ nhất tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Có điện về thôn, bản, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, đồng thời ngày càng tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, để tiếp tục đưa điện về xã, hộ dân chưa còn điện trên cả nước, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và chính người dân.
Theo ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: 15 năm qua, Hà Tĩnh đã huy động tổng nguồn lực, cùng Bộ, ngành Trung ương và EVN thực hiện điện khí hóa nông thôn. Đây là chương trình được người dân Hà Tĩnh rất hưởng ứng, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khi chưa có chương trình, chỉ 75% số xã có điện, đến nay, 100% số xã với trên 98% người dân có được hưởng lợi từ chương trình. Ngoài ra, điện năng cũng đỡ tổn thất hơn, khoảng 10%, giảm thải khí thải Co2 đồng thời đảm bảo an toàn lưới điện; kinh tế - xã hội trên địa bản tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ông Võ Kim Cự cũng đề nghị Trung ương thí điểm hỗ trợ kéo điện, truyền tải điện cho vùng sâu xa, vùng thường xuyên bão lũ. Hà Tĩnh cam kết tiếp tục huy động mọi nguồn lực, cùng có trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình này giai đoạn 2014 - 2014. Ông Đinh Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm để tỉnh triển khai chương trình đưa điện về nông thôn. Địa phương sẽ huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho việc đầu tư của ngành điện, các tổ chức quốc tế trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với lãnh đạo địa phương bên lề hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Đỗ Thông cho biết, sau 15 năm thực hiện, từ lúc ban đầu chỉ có 82 xã có điện thì đến nay 100% xã có điện, 99,45% hộ có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, cuối năm 2013, điện ra đến đảo Cô Tô (cách đất liền 60km). Gần đây nhất, ngày 19/4, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) tổ chức lễ khởi công dự án đưa điện lưới quốc gia đến các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn. Việc đầu tư dự án đưa điện lưới quốc gia đến với các xã đảo huyện Vân Đồn sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu của ngành Điện trong việc hoàn thiện hệ thống lưới điện quốc gia đến những xã đảo chưa có điện, với mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế xã hội và gìn giữ chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc.
Dù vậy, Quảng Ninh hiện vẫn còn 935 hộ chưa có điện - hầu hết là tại khu vực vùng sâu, xa giáp biên giới, mật độ dân cư thưa thớt. Quảng Ninh đề nghị Chính phủ quan tâm hệ thống điện tại địa phương, hỗ trợ đầu tư dự án điện nông thôn cho vùng núi, hải đảo.
Ông Đào Trọng Chương – Ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng nên xem xét vấn đề vốn đối ứng của các tỉnh bởi thực tế nhiều tỉnh kinh tế còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, cần cùng địa phương bàn thêm giải pháp tốt nhất, phù hợp với điều kiện từng nơi. Ngoài ra, điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2014 – 2020 có nêu 34 xã dùng nguồn điện độc lập, không dùng lưới điện quốc gia. Theo ông Đào Trọng Chương, nên bổ sung giải pháp hỗ trợ cho các xã bởi vì nguồn đầu tư rất lớn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Phát triển điện đi trước nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, mục tiêu điện khí hóa nông thôn đã được đặt ra hết sức cụ thể. Đến nay,chương trình đã đạt được nhiều thành tựu: Năm 2013, 97% hộ dân nông thôn đã được cấp điện, điều này có ý nghĩa hết sức to lớn.
Trong quá trình thực hiện, chương trình điện khí hóa nông thôn gặp nhiều khó khăn về vốn (hoàn vốn, huy động vốn), cơ sở vật chất yếu kém, mô hình quản lý cũ… Nhưng nhờ sự nỗ lực cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng sự ủng hộ của người dân, chương trình giai đoạn 1998 – 2013 đã thành công. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương Bộ Công Thương, EVN, các địa phương, đặc biệt người dân, tổ chức quốc tế đã nỗ lực, giúp đỡ thực hiện chương trình.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định Bộ Công Thương sẽ nỗ lực cùng Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giai đoạn 2014 - 2020; đề nghị các địa phương phối hợp cùng Bộ Công Thương, ngành Điện trong việc đưa điện về nông thôn; đề nghị các cơ quan Quốc hội tham gia giám sát chương trình; các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ về vốn và nguồn nhân lực.
Tại hội nghị, Nhà nước, Bộ Công Thương đã trao tặng huân chương hữu nghị, bằng khen cho tập thể, cá nhân có đóng góp quý báu trong chương trình điện khí hóa nông thôn:
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Huân chương Hữu nghị cho bà Victoria Kwakwa.
Trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân.