Thứ Ba, 26/11/2024 10:40:56 GMT+7
Lượt xem: 891

Tin đăng lúc 17-01-2022

Buôn lậu thuốc lá: Thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh

Theo lực lượng QLTT, Tết đang tới gần tình trạng buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục phức tạp trên các tuyến biên giới và thị trường nội địa.
Buôn lậu thuốc lá: Thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh

Xử lý 1300 vụ vi phạm về buôn lậu thuốc lá

 

Sau hơn 1 năm có hiệu lực, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu nhập lậu.

 

Theo thống kê của Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong năm 2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra gần 1.800 vụ, xử lý trên 1.300 vụ; chuyển xử lý hình sự 12 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 6,4 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu hiện nay theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp.

 

Cụ thể, trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động; sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.

 

Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Riêng tuyến Mộc Bài (Tây Ninh) trên quốc lộ 22, thuốc lá được các đối tượng vận chuyển bằng xe buýt, số lượng nhỏ lẻ mỗi lần từ 100 - 300 bao.

 

Ngoài ra, một số đối tượng sử dụng xe ôtô (loại 4 chỗ, 7 chỗ và ôtô tải, ôtô khách) vận chuyển thuốc lá nhập lậu số lượng lớn, chủ yếu hoạt động vào ban đêm và rất manh động khi bị phát hiện, bắt giữ. "Bên cạnh đó, có sự móc nối giữa các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu trong nội địa với các đầu nậu thuốc lá ở các tỉnh biên giới trong việc đặt hàng, vận chuyển và giao nhận tại các địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, lượng thuốc lá nhập lậu được giao vận chuyển chỉ từ 50 – 70 cây một chuyến để tránh bị xử lý hình sự.

 

Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ... Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc được cất giấu, tàng trữ tại khu vực nhà ở, khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có người theo dõi và buôn bán với số lượng nhỏ lẻ; bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không nhiều.

 

Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường, chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép.

 

Thuốc lá nhập lậu nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe

 

Theo Bộ Y tế, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng, chứa một số chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt đã tìm thấy trong thuốc lá lậu chất coumarin, là một thành phần trong thuốc diệt chuột, gây nhiễm độc gan và nguy cơ ung thư cao.

 

Hiện nay, hầu hết các loại thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam đều có chất coumarin giúp tăng vị đậm và mùi thơm trong điếu thuốc. Coumarin thuộc nhóm hóa chất nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế.

 

Cơ quan Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã cấm sử dụng coumarin trong thực phẩm. Chất coumarin hiện đang được sử dụng nhiều để tẩm vào sợi thuốc trong các bao thuốc lá lậu đang được bày bán tràn lan ngoài thị trường. Đã có một nghiên cứu trên loài chuột cho thấy cumarin gây ngộ độc gan, phổi và hình thành những khối u gây ung thư. Nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng đã cấm dùng coumarin trong công nghệ sản xuất thuốc lá vì có nhiều khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Coumarin cũng được tìm thấy trong nhiều loại thuốc diệt chuột đang được sử dụng hiện nay.

 

Theo khảo sát của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, khi tiến hành phân tích một số mẫu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá Jet và Hero, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá đã kết luận hàm lượng các chất gây hại, gây nghiện là tar và nicotin trong thuốc lá lậu cao hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các mẫu thuốc lá này cũng có độ ẩm cao hơn so với độ ẩm của thuốc lá điếu sản xuất trong nước, dễ phát sinh nấm men, nấm mốc, ảnh hưởng sức khoẻ người sử dụng.

 

Hàm lượng hóa chất trong hai loại thuốc lá Jet & Hero cao bất thường, đặc biệt trong cả hai loại thuốc lá này đều có chứa hàm lượng coumarin rất cao. Ông Nguyễn Đình Trường - Viện trưởng Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá Việt Nam - cho biết: Theo báo cáo khảo sát của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, thuốc lá lậu có chứa một chất (thuộc nhóm coumarin) là: 7-Hydroxy-6-methoxy-2H-1-benzopyran-2-one và một số chất độc hại khác trong sợi và khói thuốc. Điều đó cho thấy, những người hút thuốc lá lậu đang tiếp xúc với một hàm lượng hóa chất độc hại cao gấp nhiều lần mức thông thường, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam: “Coumarin dễ gây ngộ độc gan, phổi, hình thành những khối u, dễ dẫn đến bệnh ung thư và các bệnh nan y khác. Trong khi đó, cadimi được chứng minh có ảnh hưởng đến việc giảm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng trong nam giới. Do vậy, nếu cơ thể phải chịu hấp thu một lượng coumarin và cadimi thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung, và đặc biệt là sức khỏe sinh sản nói riêng, ở nam giới”.

 

Bên cạnh những tác hại nghiêm trọng lên sức khỏe người tiêu dùng, thuốc lá lậu còn là một vấn đề thách thức đối với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý kinh tế, an ninh chính trị xã hội.

 

Không chỉ gây thiệt hại lên nền kinh tế do thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, nạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu đe dọa đến trật an toàn xã hội, nhất là khu vực biên giới, các địa bàn có điểm nóng về buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá lậu nói riêng.

 

Để tăng cường chế tài với hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Theo đó, từ ngày 15/10, người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền theo quy định (Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP). Như vậy, dù chỉ buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang