Theo Cục QLTT Hà Nội thông tin, Đội QLTT số 13 vừa phối hợp lực lượng Công an Thành phố Hà Nội tiến hành khám phương tiện vận tải xe ô tô BKS số 29H-39775. Qua kiểm tra, đã phát hiện bên trong xe tải chở hơn 2000 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số đồ chơi trên để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp theo, lực lượng chức năng gồm có Cục QLTT tỉnh Lào Cai, Phòng Cảnh sát kinh tế, Đội Cảnh sát chống buôn lậu Công an tỉnh Lào Cai đã tuần tra tại khu vực đường Lùng Thàng, phường Nam Cường (thành phố Lào Cai), đã tuần tra và phát hiện đối tượng là: ông Lê Phương, sinh năm 1983, trú tại huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) đang xếp 2 thùng hàng hóa, bên trong có chứa 1.896 khẩu súng đồ chơi trẻ em bằng nhựa. Tại thời điểm kiểm tra ông Phương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và khai nhận đã mua số súng đồ chơi kể trên của 1 người không rõ tên tuổi ở chợ La Phù, huyện Hoài Đức với giá 5,7 triệu đồng, rồi vận chuyển lên Lào Cai để bán kiếm lời. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ lô hàng và xử lý theo pháp luật…
Theo các chuyên gia của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cảnh báo, đối với các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ đều sản xuất từ nhựa tái chế và bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp. Chất tạo màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc. Trẻ nhỏ khi ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc sẽ có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của các bé. Còn đối với các loại đồ chơi bằng hạt, các hạt nhựa nhiều màu Trung Quốc đều sử dụng hợp chất polyacryamit rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư…
Ngoài ra, một số sản phẩm đồ chơi cho bé gái như nhẫn, vòng trang trí, các miếng dán hoạt hình vui nhộn... xuất xứ Trung Quốc đều có chứa các hóa chất không an toàn cho trẻ, nồng độ nickel trong các hạt cườm bằng nhựa đính trên các sản phẩm làm đẹp dành cho bé gái thường vượt quá quy định.
Vì vậy, khi chọn đồ chơi cho con trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm, không nên chọn mua những đồ chơi có màu sắc quá bắt mắt, lòe loẹt hoặc khi cầm thấy dính màu ra tay. Khi mua cần xem thành phần, chất liệu của đồ chơi, nếu là nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như Asen, chì, cadimi, thủy ngân...gây hại cho trẻ hay không, hoặc không mua những loại đồ chơi có mùi hắc, mùi khó chịu gây nhức đầu. Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa... bố mẹ cần ngừng ngay việc cho con chơi những món đồ chơi đó và cho trẻ đến các cơ sở y tế khám nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
CD