Các chuyên gia cho rằng, với một số lượng lớn các phương tiện xe máy đang được người tiêu dùng sử dụng, đồng nghĩa với một số lượng lớn phụ tùng cần thay thế, đã tạo cơ hội tồn tại cho các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng. Các phương tiện xe máy bị hỏng hóc mà thay thế các phụ tùng kém chất lượng khi sử dụng rất hay hỏng trở lại, bởi, phụ tùng không đồng bộ, bên cạnh đó, kéo theo các chi tiết khác cũng bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng hỏng cả dây chuyền.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2022, 5 thành viên là: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Việt Nam Suzuki, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam đã bán 1.991.158 xe máy các loại đến tay người tiêu dùng.
Có thể thấy, với một số lượng lớn phương tiện xe máy lưu thông hiện nay, nên nhu cầu thay thế các loại phụ tùng là rất lớn, các trạm bảo hành, bảo dưỡng các hãng xe không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dẫn tới việc người tiêu dùng phải sửa chữa khi xe bị hỏng hóc tại các cửa hàng sửa chữa tự phát và có thể bị thay thế các loại phụ tùng hay bị làm giả, hàng nhái các thương hiệu như: Nan hoa, dây phanh, lọc gió, tem đề can, bi văng, dây công tơ mét, dầu máy… Chỉ tính riêng năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 394 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái các loại phụ tùng xe máy.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hoa ở Trương Định, Hà Nội chia sẻ: Chị sử dụng phương tiện xe máy hàng ngày, xe cũng bị hỏng hóc đã có lần phải vào cửa hàng sửa chữa xe máy dọc đường để sửa chữa, trong quá trình kiểm tra, chủ cửa hàng thông báo lỗi xe hỏng là do bugi phải thay mới, kèm theo dầu máy bẩn. Chị đồng ý thay phụ tùng trên, xe hoạt động bình thường, đi được một thời gian xe của chị lại bị hiện tượng chết máy, lần này chị đến cửa hàng Honda Việt Nam để sửa chữa, nhân viên thông báo chị bị thay thế phụ tùng bugi là hàng nhái Honda Việt Nam lại phải thay bugi mới.
Tại hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy – Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hàng giả hàng nhái nói chung, xe máy, xe điện và phụ tùng xe máy nói riêng. Bà Đại Khả Quỳnh – Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, VAMM cho biết: Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng phối hợp cùng các doanh nghiệp và đơn vị có chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo tới người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng nhái phụ tùng xe máy. Cần đưa ra chế tài xử phạt tăng nặng, và xử lý kịp thời nhằm làm giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông do chất lượng không đảm bảo, cũng như thiệt hại về kinh tế mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Thu Hằng