Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử hiện nay được đánh giá là một thế mạnh, các sản phẩm được giới thiệu có sức lan tỏa rộng đến mọi đối tượng là người tiêu dùng, khai thác nhu cầu của người tiêu dùng rất hiệu quả; qua livestream những lời mời, lời giới thiệu bắt mắt dễ gần đã tạo ấn tượng cho người đang có nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng để lừa đảo tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực y tế, các sản phẩm thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe, kem dưỡng da, viên uống chống nắng…, đang là món hàng được các đối tượng chú ý sản xuất, tiêu thụ qua các trang mạng xã hội. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng có thể gõ sản phẩm trên nền tàng Google là có ngay hàng loạt các trang điện tử hiện ra các hãng thuốc, nhà thuốc với những lời quảng cáo, lời giới thiệu sản phẩm của các hãng nổi tiếng, độc quyền phân phối, được triết khấu và giảm giá sâu… đúng vào tâm lý người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng cảnh báo người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua dùng đối với các loại sản phẩm thực phẩm chức năng được live stream quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Hiện nay, như một số tài khoản cá nhân đang quảng cáo viên chống nắng cho các chị em phụ nữ, tại một tài khoản Facebook khi truy cập người tiêu dùng được giới thiệu, quảng cáo viên uống chống nắng của Đức bao gồm một hộp 60 viên với giá 140.000 đồng/hộp, chỉ cần mỗi ngày uống một viên "thách thức" luôn nắng 41 - 42 độ C, "Lọt top năm viên uống chống nắng an toàn và hiệu quả số 1. Thành phần chính của viên chống nắng này là vitamin E, B2. Uống liền cho em mấy chị". Sau đó, là những lời nhắn, lời mời, lời tư vấn… nhưng thực chất lại là những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Trên thị trường viên uống chống nắng này được bán trên mạng xã hội, nhà thuốc tư nhân với giá từ 18.000 đồng/viên cho đến 300.000 đồng/hộp tùy loại, được giói thiệu chủ yếu là hàng xách tay từ Đức, Mỹ, Nhật Bản… Nhiều chị em tin quảng cáo, chỉ cần uống thuốc mà không cần bôi kem chống nắng cả ngày khiến da bị sạm, những người bị nám da, mẫn cảm, viêm da cơ địa... có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong việc điều trị".
Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm, nguyên trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: Các thành phần trong viên chống nắng đúng là có chất chống nắng, sáng da. Tuy nhiên, thực tế các sản phẩm mỹ phẩm không được kiểm duyệt chặt chẽ như thuốc. Bởi vậy, về mặt kiểm duyệt chất lượng không được đảm bảo tuyệt đối. Người bán hàng có thể quảng cáo "tùy thích" dẫn đến hiểu sai công dụng sản phẩm. Hệ lụy là nhiều người tin vào lời quảng cáo, không sử dụng kem chống nắng và kết quả làm ảnh hưởng đến làn da.
Hiện có rất nhiều sản phẩm viên uống chống nắng được quảng cáo như "thần dược", tuy nhiên viên uống chống nắng không thể thay thế kem chống nắng và thực tế chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả rõ ràng của các sản phẩm viên uống chống nắng này, bác sĩ Phạm Cao Kiêm khẳng định.
Theo các nhà chuyên môn, viên uống chống nắng có chứa lycopene, beta-carotene, vitamin E, vitamin C. Đây là các chất có hiệu quả chống lại tác động tia UV nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem chống nắng với SPF 15. Việc quảng cáo trị nám của viên uống chống nắng là hoàn toàn không đúng do việc điều trị nám da khá khó khăn, khả năng tái phát rất cao, không có hiệu quả lâu dài.
Một số viên chống nắng khác có thể có glutathion, vitamin C có tác dụng làm trắng da nên một số người bán hàng lợi dụng công dụng này để đánh vào tâm lý của mọi người muốn chống nắng và làm trắng da.
Theo chị N T Dung ở Thanh Xuân HN chia sẻ: Là người rất bận rộn, nhưng chị thường xuyên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, nên mất một khoảng thời gian nhất định; thời gian gần đây chị được bạn bè giới thiệu dùng viên chống nắng tiện lợi không mất thời gian nhiều trước khi đi ra ngoài, nghe bạn bè chị tìm mua sử dụng viên uống chống nắng tại một địa chỉ thân quen, nhưng qua sử dụng chị cảm nhận không giống như quảng cáo, cảm giác da vẫn bị khô, nóng rát không bằng bôi kem chống nắng. Qua một vài lần thử lại bôi kem, chị đã dừng uống viên chống nắng, trở lại bôi kem.
Chị Hà ở Long Biên cũng thừa nhận khi uống viên chống nắng chị không thấy biểu hiện gì, chị vẫn bị nám da; khi bôi kem chị thấy rễ chịu và làn da được cải thiện mịn và trắng…
Việc sử dụng viên chống nắng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn quản lý, đánh giá, xác định thành phần của thuốc… cảnh báo sớm những tác hại nếu có. Vì vậy, người tiêu dùng không nên tin vào lời quảng cáo, cần cân nhắc khi mua và sử dụng các sản phẩm này thay thế cho kem chống nắng.
Quang Vinh