Câu chuyện về con cá tra ở ĐBSCL đang “nóng” lên từng ngày. Sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá 2,39 - 7,74 USD/kg thì các doanh nghiệp cá tra Việt Nam phải loay hoay đối phó với quyết định này. Tuy nhiên, do giá cá tra rất cao, nên người nuôi ùn ùn mở rộng diện tích, dẫn đến thiếu hụt con giống trầm trọng. Lập tức nhiều hộ ở Long An, Đồng Tháp… tăng diện tích nuôi cá tra giống lên gần 1.000ha. Câu chuyện bột phát này đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.
Nguy cơ thừa cá tra nguyên liệu
Chuyện sốt con giống cá tra xuất hiện từ đầu năm 2017 khi một số doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn “đặt hàng” nông dân nuôi cá tra giống để mua lại, nhằm cung cấp cho thị trường, khiến cá tra giống đang “sốt” hàng…
Lâu nay diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL dao động mỗi năm 4.500 - 5.000ha (tùy theo giá cá tăng hay giảm). Chuyện diện tích nuôi cá tra giống tăng 1.000ha (chiếm gần 20% diện tích nuôi nguyên liệu) là ngoài tưởng tượng…
Trước thực tế này, mới đây, Tổng cục Thủy sản vừa phát đi một cảnh báo đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình trạng ồ ạt, tự phát đào ao thả cá tra dễ kéo theo nhiều hệ lụy: Nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân đối cung cầu và sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành cá tra.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, khoảng 18 tháng qua, giá cá gần như tăng liên tục. Hiện giá cá nguyên liệu ở mức 32-33 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước; còn cá giống loại lớn cũng lên 60-70 nghìn đồng/kg, gấp trên 3 lần so với năm trước.
“Đây là mức giá có lời không cưỡng lại được, khiến người nuôi ồ ạt đào ao thả cá. Về quy hoạch, có thể cảnh báo rủi ro, phê phán người nuôi nhưng cũng phải hiểu động lực nào để họ làm như thế trong khi trồng lúa hoài vẫn thu nhập thấp”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, các địa phương như An Giang, Long An, Đồng Tháp… có thể sẽ xem xét, để tăng diện tích nuôi cá, nhất là diện tích nằm trong quy hoạch cũ.
Ông Dũng cũng cảnh báo, nếu ồ ạt đào ao thả cá tra, sẽ gây áp lực lên môi trường . “Cứ mỗi kg cá thịt, sẽ mất khoảng hơn 1,5 kg thức ăn. Những thứ đó thải đi đâu, xử lý thế nào. Đây là vấn đề băn khoăn khi sản lượng có thể tăng lên 2 triệu tấn, chứ không còn 1,2 triệu tấn/năm như hiện nay”- ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, qua bao “thăng trầm”, vùng nguyên liệu nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn tiềm ẩn rủi ro cao. Một thời người ta cảnh báo về nguy cơ các nhà máy chế biến thủy sản mọc lên như nấm sau mưa (công suất nhà máy vượt sản lượng) rất dễ dẫn đến phá sản. Nhưng tâm lý kinh doanh “ăn xổi ở thì”, chạy theo “đuôi thị trường”, khiến gần như cả doanh nghiệp và nông dân đều không tuân theo quy hoạch và yếu tố thị trường giữa cung - cầu. Ai cũng đua nhau nuôi cá. Hệ lụy xảy ra là khủng hoảng thừa nguyên liệu, cá rớt giá khiến tất cả thua lỗ nặng nề. Các ngành chức năng buộc phải “kêu cứu” với Chính phủ nhằm hỗ trợ giải quyết lượng cá tra tồn đọng. Trong khi các nhà máy chế biến cạnh tranh khốc liệt ở các thị trường tiêu thụ nước ngoài, tung ra không ít chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. 10 năm qua, câu chuyện cá tra rơi vào cảnh “lo nhiều hơn mừng”. Mọi chuyện bắt đầu có “gam” sáng từ năm 2017, khi thị trường Trung Quốc đột nhiên tăng mạnh tiêu thụ cá tra ở khu vực ĐBSCL. Từ đó, giá cá tra ở ĐBSCL chuyển biến theo hướng có lợi cho nông dân.
Cần cẩn trọng
Trong khi xuất sang thị trường Mỹ, EU đang gặp nhiều về rào cản về thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật…thì thị trường Trung Quốc nổi lên, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất (vượt Mỹ và EU). Các chuyên gia cảnh báo, việc người dân đổ xô nuôi cá ồ ạt, đang nhắm vào “giỏ” lớn nhất này sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là buôn bán biên mậu.
Mặc dù dư địa thị trường và tiềm năng xuất khẩu khá lớn, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khâu thanh toán.
Theo ghi nhận của VASEP từ các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45 - 47 triệu đồng. Nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì doanh nghiệp được, còn nếu không thì coi như mất trắng.
Bên cạnh đó, tiền thanh toán các đơn hàng cá tra xuất sang Trung Quốc khá đa dạng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp nước này chỉ trả bằng tiền đồng giống như việc tiêu thụ nội địa. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác.
Mặt khác, phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở 2 dạng chính: cá tra xẻ bướm và phile. Một số doanh nghiệp cho rằng, với sản phẩm cá tra xẻ bướm, nếu khách hàng Trung Quốc mua thì có giá tốt, lượng hàng lớn nhưng nếu không mua thì khó có thể xuất sang thị trường khác.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU sụt giảm thì xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng, giúp tiêu thụ sản phẩm cá tra. Song, các DN không chỉ bám vào thị trường Trung Quốc mà phải tìm các thị trường khác ổn định và xuất khẩu giá cao hơn. "Bởi phía Trung Quốc "ăn hàng" rất dễ tính, không đòi hỏi cao, nếu DN sản xuất chỉ bám vào thị trường này mà không chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm hay các vấn đề khác thì về lâu dài khó xuất bán cá tra cho nhiều thị trường khác" - ông Toại nhận định.
Còn theo ông Võ Đông Đức - Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cho rằng không nên để lặp lại "bài học chua cay" trước đây khi thấy giá cá tra tăng thì nuôi chạy theo số lượng nhưng lại không có hiệu quả do sau đó cá lại mất giá.
"Sản lượng nhiều nhưng hiệu quả đối với người nuôi, nhà máy chế biến không có, và thực tế đã có nhiều nhà máy 'ra đi'. Đó là bài học đau lòng", ông Đức đưa ra cảnh báo.
Mới đây, trước “sức nóng” của đợt tăng giá nguyên liệu trong nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã kiến nghị Bộ NN&PTNT kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua việc cấp và kiểm tra chứng thư xuất khẩu.
Theo Vasep, việc xuất khẩu sản phẩm cá tra qua đường tiểu ngạch gặp một số các vấn đề đáng lo ngại. Giá xuất khẩu giữa sản phẩm chính ngạch chênh lệch hơn 1 USD/kg so với sản phẩm tiểu ngạch. Trong khi hiện có 9 cá nhân đại diện xuất hàng qua biên giới, nhưng đã chiếm đến 47% khối lượng nhưng kim ngạch chỉ đạt 23% so với 73% từ các nhà máy chế biến.
Vasep cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Cùng đó, Bộ NN&PTNT nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc, có chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra vào thị trường rộng lớn này.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, trên cơ sở đề xuất của Vasep, sẽ bàn kỹ hơn về mặt hàng thủy sản xuất khẩu đi sang Trung Quốc, kể cả chính ngạch, tiểu ngạch.
Theo Enternews