Thứ Bẩy, 23/11/2024 00:15:16 GMT+7
Lượt xem: 3234

Tin đăng lúc 27-05-2016

Cá tra sẽ hết bị giám sát!

Doanh nghiệp và hộ dân nuôi cá tra tỏ ra hồ hởi với nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn vừa được Thượng viện Mỹ thông qua.
Cá tra sẽ hết bị giám sát!
Giá cá tra đang xuống rất thấp, còn 20.500 đồng/kg nhưng doanh nghiệp cũng không mua

Với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 25/5 (giờ địa phương) đã thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn đối với Việt Nam và các nước khác.

 

Tín hiệu khả quan

 

Việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa hoàn thành chuyến thăm Việt Nam.

 

Thượng nghị sĩ John McCain và các nhà lập pháp Mỹ phản đối Chương trình giám sát cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố từ cuối năm 2015 vì nó đã tạo ra những rào cản lớn hơn cho cá da trơn các nước nhằm bảo vệ các công ty cá da trơn ở miền Nam nước Mỹ.

 

Việc chấm dứt Chương trình giám sát cá da trơn sẽ giúp đẩy mạnh triển vọng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại tự do vốn được Tổng thống Obama tích cực thúc đẩy trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

 

Mặt khác, Văn phòng Giải trình Trách nhiệm của chính phủ Mỹ chỉ trích chương trình của USDA ra đời gây tốn kém gấp 10 lần so với trước đây. Chấm dứt chương trình này không chỉ giúp tiết kiệm hàng triệu USD hằng năm của người đóng thuế Mỹ mà còn giúp nước này giảm khả năng bị Việt Nam và các nhà cung cấp khác kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới và trả đũa nhằm vào các mặt hàng thịt bò, đậu tương… của Mỹ.

 

Mặc dù nghị quyết này còn phải qua ải Hạ viện Mỹ với số phiếu quá bán và được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật nhưng nghị quyết này là tín hiệu vui cho ngành sản xuất cá tra Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã cất được một phần gánh nặng trước nhiều rào cản khó khăn tại thị trường này.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là thành công bước đầu rất quan trọng, tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện Mỹ để bỏ phiếu thông qua rồi mới được đưa lên trình Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh ban hành.

 

Đại diện một DN thủy sản cho biết lâu nay, cá tra xuất khẩu sang Mỹ đã bị một “tròng” thuế chống bán phá giá, nếu thêm Chương trình giám sát của USDA thì cực kỳ khó khăn. Theo chương trình này, ngành cá tra Việt Nam phải có sự tương đồng với ngành cá da trơn ở Mỹ, từng container hàng xuất khẩu đều phải được Cục Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) thuộc USDA xác nhận trước, gây phiền hà và tốn kém.

 

“Tôi hy vọng sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thúc đẩy nhanh việc hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn bất hợp lý này để ngành cá tra Việt Nam yên tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu như trước giờ. Thời gian qua, tuy hoang mang về chương trình giám sát nhưng tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn thuận lợi và có nhiều cơ hội rộng mở giữa lúc thị trường châu Âu trầm lắng từ 2 năm nay” - ông này bày tỏ.

 

Nông dân cầm cự chờ doanh nghiệp

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm tại ĐBSCL ước đạt 358.500 tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh giảm mạnh nhất là An Giang (17%), Vĩnh Long (13%). Nguyên nhân do nhu cầu mua nguyên liệu của các nhà máy không ổn định dẫn đến giá cá tra lúc tăng, lúc giảm, người nuôi không thả nuôi nhiều.

 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho hay cách nay hơn 1 tháng, khi ông tham gia hội chợ tại địa phương thì được thông báo cá tra nguyên liệu đang thiếu nên các DN mua vào với giá 22.500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá hiện chỉ còn 20.500 đồng/kg mà cũng chẳng có DN nào đến hỏi mua. Riêng đối với cá tra quá lứa (từ 1,1 kg/con trở lên) có giá thấp hơn khoảng 2.500 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán. Sau khi nghe thông tin Thượng viện Mỹ ra nghị quyết bỏ chương trình giám sát cá da trơn, ông thấy rất vui nhưng niềm vui này chưa trọn vẹn.

 

“Để thực hiện lệnh dỡ bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ thì cũng cần có thời gian. Trong khi đó, người nuôi cá tra hiện nay như đang ngồi trên đống lửa vì cá đã đến đợt thu hoạch rồi mà chẳng có ai mua cho dù giá giảm rất thấp. Chúng tôi cũng chỉ mong giá cá tra được cải thiện theo hướng có lợi trong thời gian tới chứ bây giờ thì coi như thua rồi” - ông Nguyên than thở.

 

Còn theo ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, việc dỡ bỏ chương trình giám sát này sẽ giúp cho DN tiết kiệm được chi phí trong xuất khẩu.

 

“Vượt qua được rào cản kỹ thuật thì chắc chắn các DN sẽ xuất khẩu cá vào thị trường này được nhiều hơn. Từ đó, giá cá tra nguyên liệu trong nước cũng tăng theo nên sẽ giúp cho người nuôi đạt lợi nhuận cao hơn. Vấn đề còn lại là các DN của Việt Nam phải cạnh tranh lành mạnh để tránh bị Mỹ áp thuế chống phá giá đối với cá tra như đã từng diễn ra” - ông Bình khuyến cáo.

 

Tính đến hết tháng 4-2016, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo Người Lao động


Tag:cá tra

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang