Phụ gia thực phẩm là những chất có hay không có giá trị dinh dưỡng, bản thân nó không được tiêu thụ thông thường như một thực phẩm. Việc bổ sung có chủ ý phụ gia vào thực phẩm để giải quyết mục đích công nghệ trong sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm nhằm cải thiện kết cấu hoặc đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó.
Theo các chuyên gia, với các phụ gia tổng hợp hóa học do độ tinh khiết không đảm bảo, có nhiều tạp chất độc hoặc tuy có độ tinh khiết cao nhưng khi sử dụng ở liều cao và thường xuyên có thể gây những biểu hiện bệnh lý làm thay đổi sự trao đổi chất trong cơ thể, thậm chí có khi gây ung thư, gây rối loạn gene di truyền và phải được quy định nghiêm ngặt về liều lượng sử dụng hoặc cấm sử dụng.
Đối với phẩm màu sử dụng trong công nghiệp thực phẩm là các chất hóa học tổng hợp, nó thường không gây ra ngộ độc cấp tính mà gây độc do tích lũy từ các liều rất nhỏ như màu đỏ trong mứt hoa quả đóng hộp, màu vàng chanh trong thực phẩm lỏng, mứt cam, dưa chuột muối...
Khi đã bị ngộ độc thì rất khó có khả năng cứu chữa, ví dụ: Chất paradimethyl aminobenzen dùng để nhuộm bơ nhân tạo ở các nước châu Âu, nhưng hiện nay các nghiên cứu cho thấy nó có thể gây ra u máu ở liều cố định không phụ thuộc vào thời gian ăn dài hay ngắn, theo thử nghiệm lâm sàng ở chuột (cho chuột ăn một thời gian lại nghỉ nhưng khối u vẫn hình thành). Hay phẩm màu nhuộm vàng trong măng tươi và khô, đó là chất vàng O (auramine O) chỉ dùng để nhuộm vải, giấy, gỗ... cấm dùng trong thực phẩm nhưng một số đối tượng đã sử dụng chất này trộn vào thức ăn cho gia cầm làm cho màu da gà vàng, chân gà vàng đẹp hơn. Một số tiểu thương còn cho vàng O vào măng tươi hay khi muối dưa cải để tạo màu vàng đẹp mắt.
Đối với chất bảo quản Natri benzoate và Kali sorbat - là hai chất thường được các nhà sản xuất sử dụng rộng rãi nhất do có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo quản thực phẩm được lâu hơn mà không ảnh hưởng đến mùi vị cũng như chất lượng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO): Khi sử dụng Natri Benzoate quá 1gr/kg sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến thần kinh và gây ngộ độc cho trẻ em. Nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tổng hợp protein và cũng là yếu tố tác động gây ung thư.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây ra những tác hại cho sức khỏe như: Gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép; gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút; có nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gien, gây quái thai ở phụ nữ mang thai…
Trước sự lo ngại từ phía người tiêu dùng về việc mua và sử dụng nhiều loại sản phẩm có chứa chất phụ gia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, TS.BS Cao Thị Hậu - nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: Nếu thường xuyên ăn phải thực phẩm, trái cây có hàm lượng hóa chất cao thì sức khỏe người dùng bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mà thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại thì sẽ tạo ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Với trẻ em, cơ thể đang tăng trưởng nên có nhu cầu bổ sung chất dinh dưỡng rất cao để đáp ứng sự phát triển về thể chất, trí não. Nếu thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa hóa chất khiến trẻ hạn chế tăng trưởng do nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng; cơ thể khó đào thải nên tích lũy dần chất độc trong người, gây suy gan, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, ung thư...
Bà Hậu khuyến cáo, để đảm sức khỏe cho gia đình và người thân, người tiêu dùng nên sử dụng các chất màu hoa quả tự nhiên như: Gấc, cà chua, ớt, nghệ, lá dứa thơm…, hoặc mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có thương hiệu, uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm; không mua phẩm màu không rõ nguồn gốc tự chế biến thực phẩm nhẳm phòng tránh những tiềm ẩn gây bệnh cho gia đình, người thân.
Quang Vinh