Thứ Bẩy, 23/11/2024 18:59:30 GMT+7
Lượt xem: 1035

Tin đăng lúc 22-10-2020

Các địa phương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống dịch vụ du lịch đã và đang được đầu tư đồng bộ, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút, phát triển ngành du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các địa phương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đến năm 2030, trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Theo kế hoạch, UBND Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác; là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.

 

UBND Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ từ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Dự kiến năm 2030, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 13-14 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270-300 nghìn tỷ đồng.

 

Đề hoàn thành các mục tiêu trên, UBND Thành phố đề ra các giải pháp như: Tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển du lịch; tập trung  đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trong các lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, ẩm thực..., nâng cao chất lượng điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

 

Được thiên nhiên ưu đãi cùng với bề dày lịch sử, văn hóa được trải rộng khắp các vùng, miền đã cho phép Ninh Bình phát triển ngành du lịch đa dạng về loại hình và có chiều sâu, nền tảng vững chắc, hấp dẫn. Thời gian qua, Ninh Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tiêu biểu là các dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Thung Nham, Hang Múa; các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn… Qua các năm, bức tranh về du lịch Ninh Bình ngày càng rõ nét hơn.

 

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thời gian tới Ninh Bình tập trung phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, chất lượng; ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn chỉnh hạ tầng du lịch như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An, dự án phát triển du lịch khu vực Cồn Nổi - Kim Sơn, tuyến đường kết nối Tràng An - Bái Đính - Vân Long - Tam Chúc.

 

Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư mở rộng hợp tác kinh tế, liên kết vùng, liên vùng; ưu tiên thu hút phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị tổng hợp, khu liên hợp vui chơi, dịch vụ giải trí du lịch quy mô lớn; chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Hàng năm tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"...

 

Du lịch Lào Cai đã, đang và sẽ là một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển mạnh, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh với vị thế “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh… Vì vậy, Lào Cai sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch, tập trung nâng cao chất lượng toàn diện về du lịch để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

 

Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách nước ngoài; tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 44.500 tỷ đồng; thu nhập từ du lịch chiếm từ 15% đến 17% GRDP của tỉnh; toàn tỉnh có 1.400 cơ sở lưu trú với 10.000 buồng khách sạn từ 3 đến 5 sao…

 

Thời gian tới, ngành du lịch Lào Cai sẽ triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến phát triển bền vững mang lại bước đột phá cho du lịch. Trong đó, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển; tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh như sân golf; dù lượn; chợ văn hóa, ẩm thực; công viên văn hóa; tham quan, nghỉ dưỡng núi (Sa Pa, Bắc Hà); chinh phục đỉnh cao (Fansipan, Ky Quan San); tâm linh (quần thể đền Thượng - đền Mẫu, đền Bảo Hà); ruộng bậc thang, chợ phiên; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “Đặc sắc - bền vững - chuyên nghiệp”...

 

Theo Chinhphu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang