Thứ Bẩy, 23/11/2024 04:28:21 GMT+7
Lượt xem: 888

Tin đăng lúc 30-12-2022

Các địa phương phía Nam: Không tăng giá hàng hóa, bình ổn thị trường Tết

Chuẩn bị Tết Nguyên đán đã và đang được nhiều tỉnh thành phía Nam chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng, đảm bảo không tăng giá, bình ổn thị trường Tết.
Các địa phương phía Nam: Không tăng giá hàng hóa, bình ổn thị trường Tết
Hàng hóa đầy ắp quầy kệ chờ người dân mua sắm Tết

Tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An... ngay từ đầu tháng 11/2022, Sở Công Thương các tỉnh thành đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường mua sắm Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng. Đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, hàng hóa đầy quầy kệ, giá cả bình ổn, đảm bảo cho người dân sắm Tết.

 

Theo bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chỉ sau Tết Dương lịch 20 ngày nên các nhà cung cấp cũng như đơn vị phân phối lớn đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết từ rất sớm. Việc chuẩn bị sớm nhằm giảm thiểu tối đa biến động giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết năm nay tương đối dồi dào với nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ… gây tăng giá cục bộ dịp trước, trong và sau Tết… Đối với các doanh nghiệp đang cam kết tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh đảm bảo nguồn hàng đã đăng ký và sẵn sàng cung ứng khi thị trường có biến động về giá, sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2- 3 lần so với các tháng bình thường. TP. Hồ Chí Minh cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu.

 

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho hay các doanh nghiệp tham gia “Chương trình bình ổn thị trường” các mặt hàng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký; đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố. Giữ cố định, không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường từ ngày 23/12/2022 đến ngày 19/2/2023. Đồng thời, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá trước và sau Tết, đặc biệt các ngày cận Tết để người dân có điều kiện vui xuân, mua sắm Tết. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng phong phú, dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhằm tránh nguy cơ khan hiếm và giá cả hàng hóa tăng cao vào thời điểm Tết Nguyên đán, ngay từ giữa năm 2022, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai công tác bình ổn thị trường. Hiện nay, chương trình có sự tham gia của 69 hệ thống phân phối, doanh nghiệp. Các đơn vị đã cam kết tăng cường các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, như xây dựng kế hoạch dự trữ, cam kết thu mua - cung ứng, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định…

 

Đến nay, tỉnh Bình Dương cũng đã sẵn sàng nguồn hàng, bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, tại hầu hết các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đang khá sôi động mua sắm, nguồn hàng với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với những tháng trước nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào dịp cuối năm. Ghi nhận cho thấy các hệ thống bán lẻ như BigC, Co.opmart, MM Mega… đang chạy đua để hàng hóa “tràn kệ” nhằm thu hút khách mua sắm.

 

Trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa vẫn “neo” ở mức cao, nhiều biến động theo giá xăng dầu, chi phí trung gian… việc giữ ổn định mặt bằng giá cả chung không chỉ được doanh nghiệp bán lẻ mà các địa phương, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh rất quan tâm. Hiện tại, 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau tết.

 

Nguồn: congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang