Thứ Năm, 03/04/2025 10:07:37 GMT+7
Lượt xem: 417

Tin đăng lúc 24-02-2025

Các doanh nhân, doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển (phần III)

Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng trích đăng một số ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân về tiềm năng, thế mạnh và các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… tại buổi gặp gỡ của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân ngày 10/2/2025 (Tiếp ngày 20/02/2025).
Các doanh nhân, doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển (phần III)
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp

Cần có cơ chế phù hợp để doanh nghiệp tăng thời gian bảo hành đường cao tốc

 

 

 

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải

 

 Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, cải thiện việc chậm tiến độ, đội vốn. Việc nâng tiến độ, đưa công trình vào khai thác đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

 

Để đạt được những kết quả đó, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và bộ, ngành đã truyền cho các chủ thể liên quan một luồng gió mới, một cảm hứng để phát triển, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải.

 

Sơn Hải là tập đoàn đầu tư hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông. Những năm qua, Tập đoàn vừa là nhà thầu, vừa là nhà đầu tư.

 

Bên cạnh những kết quả tích cực, doanh nghiệp có một số vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo hành công trình cấp 1 trở lên là 24 tháng (2 năm). Nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất được bảo hành 10 năm. Trong trường hợp này, Tập đoàn đề xuất khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư chỉ giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm, không cần giữ lại khoản bảo lãnh 10 năm, để tránh đọng vốn của nhà thầu.

 

Về vấn đề này, xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp để doanh nghiệp có thể tăng thời gian bảo hành. Vì khi doanh nghiệp đăng ký gói bảo hành 10 năm thì có thể yên tâm hơn trong đầu tư, áp dụng công nghệ cao, bảo dưỡng…

 

Mong muốn có chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án trung hòa carbon

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG

 

Hơn 30 năm qua, Tập đoàn BRG hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ, dịch vụ, du lịch.

 

Trong thời điểm quan trọng của năm 2025, chúng tôi cam kết xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội là một thành phố có rất nhiều tính năng thông minh, từ năng lượng, di chuyển, quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế và sẽ có tiện ích tốt nhất cho người dân.

 

Ở đây, có một điểm đặc biệt của thành phố này, đó là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Vào tháng 8 năm 2024, tôi cũng đến Indonesia để ký kết trong hội nghị AZEC toàn cầu. Thực sự, cam kết này tiêu biểu cho một thành phố trung hòa carbon thực sự và có thể chúng tôi sẽ nhập một số cây từ nước ngoài để giải quyết ô nhiễm môi trường. Khi nào có báo cáo chi tiết, tôi sẽ xin báo cáo cụ thể sau.

 

Đặc biệt, sẽ có các giải pháp để giảm 50% chi phí cho năng lượng cho các hộ gia đình. Nhân dây tôi cũng xin có một vài đề nghị.

 

Thứ nhất, trong năm 2024, chúng ta đạt tăng trưởng GDP trên 7%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Tôi được biết Bộ Tài chính đang đề nghị tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất. Doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất rất phấn khởi nhưng tiền thuế thu nhập lại tăng lên cho nên doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi cũng đề nghị Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. Còn doanh nghiệp nào được giảm thì cần xét rất kỹ, nếu không xứng đáng thì cũng không được hỗ trợ. Đây thực sự là một điều khích lệ rất thiết thực cho các doanh nghiệp.

 

Tôi đề nghị có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính. Có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, với mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero.

 

Một điều nữa là tôi đề xuất có các chương trình, sáng kiến cấp quốc gia về đổi với sáng tạo, phát triển bền vững để các doanh nghiệp có thể tham gia và có những người hướng dẫn cho doanh nghiệp. 

 

 

Tháo gỡ cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư

 

 

 

 

Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường

 

Muốn làm việc lớn thì chúng ta phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt. Ví dụ như Ninh Bình chỉ có 20 nghìn ha thì giao cho tôi 12 nghìn ha, tức là 57% diện tích của 1 tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp chỉ trong một cuộc họp rất ngắn - 15 phút. Chúng tôi đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Ninh Bình mỗi năm đón 10 triệu khách, dân số Ninh Bình có 1 triệu người, như vậy cứ 10 người thì 9 người là khách du lịch.

 

Chúng tôi quyết tâm xây dựng công trình văn hóa mang tính tầm cỡ quốc tế, để chúng ta sánh vai với các nước. Trước đây Tràng An và Tam Chúc không hề có thương hiệu, thì bây giờ chúng ta có nhiều công trình có giá trị thương hiệu. Chúng ta cần bàn để có cơ chế chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Với đường sắt cao tốc, đường giao thông, chúng ta phải có ý tưởng trước. Chúng ta phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền. Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10 nghìn tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng. Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư văn hóa nên không phảy vay tiền, không phụ thuộc ngân hàng. Bây giờ quan trọng nhất là có cơ chế. 

 

 

Đề xuất ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng

 

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE)

 

Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước vận hội mới của đất nước chúng ta. Việt Nam chúng ta đang có đủ điều kiện về chính trị xã hội cũng như phát triển kinh tế để chúng ta bước vào một giai đoạn mới, điều này khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp rất nhiều.

 

Chúng ta thấy rằng, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố rằng GDP năm 2025 sẽ đạt thấp nhất là 8%, sau đó sẽ phát triển lên 2 con số và chúng ta đều biết cứ 1% GDP tăng trưởng thì chúng ta cần có 1,2-1,5% tăng trưởng về công suất điện. Hiện những lĩnh vực mới như Data Center, xe điện, tàu điện đều cần rất nhiều điện mặc dù chúng ta có nhiều giải pháp để tiết kiệm điện, đó là ESG-công thức mà tất cả các doanh nghiệp đều rất quan tâm.

 

Chúng ta cũng có chương trình điện hạt nhân để chạy nền thay cho điện than, điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng năng lượng tái tạo phải góp phần quan trọng để chúng ta đạt Net Zero vào năm 2050. Cho nên chúng tôi đề xuất phát triển không hạn chế điện gió gần bờ, điện mặt trời trên hồ trong quy hoạch điều chỉnh điện VIII.

 

Chúng tôi đề nghị cơ chế PPA, đặc biệt DPPA cần phải được hoàn thiện cũng như chính sách giá điện mới. Chúng tôi đề nghị ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng và không cần đàm phán mất nhiều thời gian mà chưa chắc đưa ra được quyết định về giá. Bởi trên một địa bàn mỗi doanh nghiệp đầu tư có cách và công nghệ khác nhau và suất đầu tư khác nhau. Không để trên một địa bàn mà trên suất đầu tư đó lại có giá điện khác nhau. Chúng tôi mong muốn cần ban hành giá điện cho từng loại hình doanh nghiệp, giá điện đó phải thu hút nhà đầu tư và phù hợp với nền kinh tế.

 

Tôi nghĩ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đủ kinh nghiệm để có thể đưa ra mức giá phù hợp với điều kiện này.

 

Thứ hai, điều kiện về PPA và DPPA, nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc sản xuất ra có được mua hết hay không. Vấn đề này rất cụ thể nhưng chúng tôi chưa thấy điều đó.

 

Việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TPHCM, chúng tôi có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng 3 năm vẫn chưa thông qua được. Việc chậm cấp phép cản trở việc phát triển kinh tế rất lớn.

 

Chúng ta được biết Thủ tướng đã giao quyền cho các tỉnh, thành nhưng các tỉnh, thành vẫn chưa làm được, dẫn đến chậm trễ trong việc đầu tư các dự án. Tôi thấy các chủ trương vĩ mô rất sáng sủa, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi nhưng việc hành động ở các tỉnh, thành, sở, ngành lại chậm chạp. Cuối cùng tôi nghĩ Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch thành phố là người phải ra quyết định và là người chịu trách nhiệm. Chúng tôi mong rằng chủ trương chính sách đã có, quyết tâm chính trị rất cao, giờ cần những người ra quyết định.

PV


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang