Nghị quyết 57 sẽ giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC
Chúng ta đang nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng chữ khoa học không gắn với công nghệ và chữ công nghệ không gắn với thị trường, doanh nghiệp. Đây là điểm mà tôi mong chờ là khi sát nhập Bộ KHCN và Bộ TTTT thì chúng ta sẽ khắc phục điểm nghẽn này.
Xin bắt đầu từ Nghị quyết 57, may mắn chúng tôi cũng được phép tham gia xây dựng. Nghị quyết 57 được xây dựng như 1 bản đồ chiến lược mà chúng tôi tin tưởng Nghị quyết 57 sẽ giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn.
Năm 2024 chúng tôi đã có tuyên bố về chiến lược chuyển đổi AI, kiến nghị với Chính phủ là chúng ta cần tận dụng AI như 1 tiềm năng, năng lực công nghệ mà người Việt có để xây dựng đất nước.
Ngày 21/1 vừa qua tại Davos, chúng tôi đã tuyên bố chiến lược chuyển đổi này. Thế giới rất quan tâm, chúng tôi có hơn 200 đại biểu đăng ký nhưng hội nghị chỉ có 60 chỗ nên chỉ mời 60 đại biểu đến.
Chúng tôi có kiến nghị là sau này đi Davos chúng ta nên có "Viet Nam House" tại Davos chẳng hạn. Như vậy tất cả các công ty công nghệ của chúng ta có thể đem các ý tưởng của mình đến để giới thiệu với thế giới.
Về nhiệm vụ, chúng tôi nhận 2 nhiệm vụ quốc gia. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Quy mô đầu tư đến 80 MW, gấp gần 2 lần tổng công suất Việt Nam hiện nay đang có (khảng 50 MW). Đến 2030 sẽ xây dựng hạ tầng như vậy. Chúng ta phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình.
Còn nhiệm vụ thứ 2, là xây dựng C.OpenAI. C.Open chúng tôi công bố từ năm 2017 và đến nay chúng tôi chuyển thành C.OpenAI và xây dựng Core AI của người Việt, trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi xin có 3 kiến nghị:
Thứ nhất, Nhà nước hoàn thiện thể chế, cụ thể Nhà nước giao Bộ, ngành, địa phương "KPI" cam kết thời gian giải quyết thực thi cho DN như thế nào.
Thứ hai, chúng tôi có kế hoạch đầu tư 5 năm tới dành khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật. Băn khoăn của chúng tôi là nguồn vốn. Rất mong chúng ta có quỹ hỗ trợ phát triển nhưng không biết 700 triệu USD có được vay vốn không. Chúng tôi muốn có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm.
Cuối cùng, chúng tôi đang triển khai đào tạo vì Thủ tướng nói nguồn nhân lực rất quan trọng. Chúng tôi muốn mở các phân hiệu tại các địa phương thì có quy định phải có 2ha đất. Về lý thuyết 2ha đất đó là địa phương phải bố trí cho DN nhưng thực tế tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TPHCM có được 2 ha đất là không hề dễ.
Nhưng chúng tôi có hạ tầng cơ sở để có thể đào tạo được ngay.Ví dụ tuyển sinh 1000-2000 sinh viên về trí tuệ nhân tạo thì chúng tôi có tòa nhà gần 10 nghìn mét vuông có thể đào tạo 2000 SV. Nhưng quy định 2ha đất để triển khai phân hiệu mới thì thực sự không đơn giản về thủ tục.
"Chúng tôi biết Thủ tướng rất tin tưởng vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân"
Ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group
Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và doanh nhân chúng tôi.
Chúng tôi, là những doanh nhân dân tộc yêu nước, luôn có khát vọng cống hiến, khát vọng làm giàu, luôn gắn lợi ích dân tộc với lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi biết Thủ tướng rất tin tưởng vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Chúng tôi nhận thấy, vận mệnh của đất nước đang vô cùng tốt đẹp. Tập đoàn T&T đã thành lập được 32 năm, đến nay đã có gần 80.000 cán bộ, công nhân viên. Chúng tôi nộp ngân sách trong top 50 các doanh nghiệp Việt Nam nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Tập đoàn T&T đã đầu tư lớn, hàng chục tỷ USD vào nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động. Đó là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn đã đầu tư, hòa vào lưới điện và hiện nay có một số dự án đang đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, tập đoàn đã đầu tư, hoàn thành hơn 1.000 MW. Và hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư 2 dự án điện khí, công suất là 3.000 MW. Chúng tôi cũng đã mua một dự án điện gió tại Lào, công suất hơn 300 MW, hiện nay đang thi công ở Lào. Tổng giá trị dự án đầu tư tại Lào là hơn 600 triệu USD.
Bên cạnh đó, T&T cũng đang đầu tư vào các dự án điện sinh khối, xử lý rác thải, điện rác... tại một số tỉnh. Hiện nay chúng tôi cũng đang hợp tác với tập đoàn SK (Hàn Quốc), để đầu tư tổ hợp khí sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải carbon, đấy là thế mạnh của SK.
Ngoài năng lượng tái tạo, T&T cũng đang đầu tư vào dự án logistics công nghệ cao đa phương thức tại Vĩnh Phúc rộng hơn 100 hecta với Singapore, nhằm tạo thành chuỗi cung ứng Trung Quốc-Việt Nam-ASEAN. Ngoài ra chúng tôi cũng đang đầu tư vào dự án logistic công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở lĩnh vực này, chúng tôi sử dụng công nghệ AI và tự động hóa hoàn toàn.
Vừa rồi, chúng tôi cũng đầu tư vào dự án sân bay Quảng Trị. Hiện nay dự án này đang thi công và nếu không có gì thay đổi thì tháng 6/2026 thì khánh thành. Hiện nay, tập đoàn chúng tôi cũng đang hợp tác với các tập đoàn tổ hợp công nghiệp linh kiện, năng lượng tái tạo. Khi chúng tôi đầu tư vào sân bay, đô thị sân bay và tổ hợp hàng không thì tập đoàn đã nghiên cứu tập trung đầu tư vào hàng không. Trong đó chúng tôi đã đầu tư 75% vào hãng hàng không Vietravel Airline. Và ngày hôm kia, 8/2, tập đoàn đã làm việc với Hãng sản xuất máy bay Boeing và Boeing rất quan tâm, đồng ý sẽ có đại diện Boeing tại Việt Nam, và chúng tôi cũng là tập đoàn đối tác chiến lược của Boeing tại Việt Nam và Đông Nam Á. Tôi cho rằng, với một chiến lược như vậy, sẽ đưa Quảng Trị là một trung tâm ở khu vực miền Trung trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, vận chuyển hàng hóa.
Trong lĩnh vực hạ tầng, hiện nay đường vành đai 4, tập đoàn cũng đang chờ thành phố Hà Nội hoàn tất thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư. Tập đoàn cũng đăng ký được trở thành một nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang tham gia vào một số dự án bất động sản lớn, công nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục và thể thao.
Chúng tôi có một số kiến nghị với Thủ tướng. Đó là một số doanh nghiệp làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phải đàm phán giá điện với EVN. Tuy nhiên, vấn đề giá vẫn chưa có thống nhất.
Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Chúng tôi đề nghị, với những doanh nghiệp cổ phần mà nhà nước không chi phối thì cần đẩy nhanh việc thoái vốn hơn nữa.
Mong muốn Chính phủ "đặt hàng" tham gia các dự án trọng điểm
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả
Tập đoàn Đèo Cả rất vinh dự nhận được sự ủng hộ và quan tâm của Đảng và Chính phủ từ những ngày đầu năm khi được tham gia chương trình an sinh xã hội thông qua việc xây dựng công trình Khoa khám bệnh và Điều trị - Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ; nghiên cứu xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 2 đoạn từ Tân Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy. Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vai trò chủ đạo của DN tư nhân trong nền kinh tế đất nước.
Tập đoàn cũng xin tri ân sự động viên của Thủ tướng Chính phủ, khi trực tiếp kiểm tra các dự án trọng điểm như Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc TP HCM - Chơn Thành – Thủ Dầu Một và mới đây là kiểm tra cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ cơ bản các nút thắt về thể chế, nguồn vốn tín dụng, yêu cầu khai thác đồng bộ hiệu quả các dự án cao tốc.
Với kim chỉ nam "Tự lực – Tự cường – Tự tôn dân tộc" trong mọi hoạt động, Đèo Cả tận tâm – tận lực – tận hiến, không ngại gian nan, sẵn sàng đương đầu với những thách thức khó khăn nhất.
Tập đoàn Đèo Cả phát triển từ phương châm "Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt" và xây dựng chiến lược "tăng trưởng tập trung". Để đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, chúng tôi muốn đóng góp ý kiến của mình thông qua các mô hình.
Thứ nhất là mô hình quản trị doanh nghiệp (thực chiến). Từ một doanh nghiệp tư nhân với mô hình hợp tác xã tại tỉnh Phú Yên, chúng tôi đã xây dựng nguồn lực để tham gia hạ tầng giao thông. Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả có 20 đơn vị thành viên với quy mô 8.000 lao động, hoàn thành đầu tư, thi công hơn 47 km hầm đường bộ, 480 km đường cao tốc & quốc lộ, quản lý 18 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.
Tập đoàn đã chứng thực mô hình quản trị thành công, chuẩn hoá quy trình quản lý doanh nghiệp giao thông, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thực chiến không chỉ cho mình đã nhân rộng cho các đối tác là doanh nghiệp cùng nghành nghề.
Thứ hai là mô hình tài chính liên kết, kết nối với các DN khác cùng đầu tư, thi công theo nguyên tắc "lợi ích hài hoà rủi ro chia sẻ" để cùng tham gia các Dự án đầu tư PPP. Qua đó, tổ chức đào tạo nâng cao khả năng quản trị, năng suất lao động khi tối ưu sản xuất khi kiểm soát chi phí khi đưa công nghệ vào quản lý chi phí, năng cao năng suất lao động khi tham gia thi công các Dự án đầu tư công, hay hoạch định chuẩn bị nhân lực để thực hiện công trình đường sắt và metro trong tương lai.
Khi xây dựng mô hình hợp tác, Đèo Cả xác định trước mắt có thể có một số vướng mắc về cơ chế chính sách, quan điểm nhìn nhận đầu tư… nhưng nếu kiên định sẽ phát huy tiềm năng lợi ích lâu dài. Liên kết đầu tư để tạo lợi nhuận khi kết nối với các doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp vận tải làm trạm dừng nghỉ, Tập đoàn cung cấp thép xây dựng.
Doanh nghiệp cần sự nối kết của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác, cần cụ thể việc đặt hàng cho DN tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro...
Thứ ba, mô hình xây dựng văn hoá và ứng dụng công nghệ. Đèo Cả luôn quan niệm "văn hoá và nhân lực là hai thứ không thể vay mượn", từ đó tự chủ xây dựng nền văn hóa riêng và tự chủ trong hoạt động… Chú trọng xây dựng văn hóa Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, xác định mục tiêu của các Đảng bộ, chi bộ phải đồng hành cùng phát triển kinh tế của Doanh nghiệp. Hiện nay Tập đoàn Đèo Cả có 2 Đảng bộ, 10 chi bộ trực thuộc và 200 đảng viên.
Tập đoàn đặc biệt coi trọng vai trò của tổ chức Đảng và Đảng viên trong mọi hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt là vai trò nêu gương của Đảng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước, Tập đoàn đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực; chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế.
Để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phần triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.
Một là, tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước. Cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm không được giải quyết, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí.
Hai là, xác định giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư PPP. Cần đánh giá nghiêm túc các dự án của tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí… so với các dự án của khối Nhà nước và để chọn lọc các doanh nghiệp làm tốt, tạo điều kiện để trở thành các con chim đầu đàn của ngành nhằm tạo điều kiện để dìu dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Ba là, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành "doanh nghiệp dân tộc". Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang sứ mệnh lớn hơn là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Bốn là, đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hòa nhập quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình từ các quốc gia tiên tiến nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án.
Năm là, tiếp tục kiến tạo cơ chế để Đảng viên và tổ chức Đảng thực sự đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Đầu tư của tư nhân vào năng lượng mang tính sống còn
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
EVN rất mong muốn, hoan nghênh và ủng hộ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào phát điện. Hiện nay, các tập đoàn nhà nước chỉ chiếm có 48% công suất của cả nước, như vậy 52% còn lại là do khối tư nhân. Đầu tư của tư nhân vào năng lượng mang tính sống còn, rất mong các tập đoàn sẽ tiếp tục sự nghiệp này và nếu được thì đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có cơ chế giao cho tập đoàn lớn đảm trách các nguồn việc lớn.
Ý thứ hai là lĩnh vực còn rất bỏ ngỏ, đó là sản xuất thiết bị điện cho ngành điện. Về cơ bản, hiện nay cơ khí trong nước mới sản xuất máy biến áp, dây cáp điện, cột thép, còn rất nhiều lĩnh vực khác chúng ta chưa làm. Cũng mong các tập đoàn lớn lưu ý chỗ này, đặc biệt trong các doanh nghiệp cơ khí.
Về kiến nghị, mọi người nói nhiều đến quá trình đàm phán. Muốn chúng ta không đàm phán thì phải sửa đổi toàn diện Luật Giá và tạo khung pháp lý. Bản thân chúng tôi cũng không muốn đàm phán bởi vì nó quá nhiêu khê. Nếu được thì Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ ban hành giá cho các loại hình năng lượng.
Các dự án mới chúng tôi làm rất nhanh và phân cấp rất mạnh, dưới 200 MW thì Tổng giám đốc quyết, trên 200 MW mới lên Chủ tịch HĐTV và chúng tôi tiếp tục phân cấp.
Còn các kiến nghị doanh nghiệp về điều khoản PPA thì huy động như thế nào là do đơn vị điều hành hệ thống điện chứ không phải do EVN. Phải định hướng lại việc xây dựng thị trường điện ở nước ta, chúng tôi rất ủng hộ cùng với các doanh nghiệp cùng xây dựng.
Tinh thần là EVN ủng hộ tối đa, không có chuyện kéo dài thời gian để làm. Mong rằng tất cả dự án nếu tập đoàn tư nhân tham gia càng sớm càng tốt bởi vì nếu không kịp thì sẽ thiếu điện.
PV