Vượt thách thức về đích
Sau đặc sản bưởi đỏ Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vừa có lô bưởi Diễn Yên Thủy đầu tiên đạt tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh. Lô hàng này được vận chuyển theo đường biển và dự kiến cập cảng nước Anh vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2023.
Cùng với đặc sản của Hòa Bình, cuối tháng 11/2022, lô hàng bưởi da xanh Bến Tre cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, đưa loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Đây là trái cây có thời gian bảo quản dài, hứa hẹn là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường rộng lớn và là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay. Đồng thời qua đó giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại trái cây đặc sản này.
Cùng với rau quả, năm 2022, “câu lạc bộ” xuất khẩu 10 tỷ USD kết nạp thêm ngành thủy sản, nâng số lượng thành viên của “câu lạc bộ” này lên con số 8. Đáng chú ý, ngành này cũng chỉ cần 11 tháng để đạt được cột mốc lịch sử. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so kế hoạch. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Một trong những điểm sáng khác trong bức tranh xuất khẩu năm 2022 là xuất khẩu gạo khi ước đạt 7 triệu tấn gạo với giá trị gần 4 tỷ USD. Không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, Việt Nam còn tự hào khi thành công xuất khẩu 2 loại gạo mang thương hiệu Việt vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và EU. Đây là năm đầu tiên các sản phẩm gạo xuất khẩu được mang thương hiệu "Made in Vietnam", đóng gói trong bao bì riêng của doanh nghiệp Việt và đã đăng ký mẫu mã quốc tế.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hội lương thực Việt Nam cho biết, năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường, khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III giá gạo mới tăng lên. Tuy nhiên có thể khẳng định năm 2022 vẫn tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Con số trên 7 triệu tấn gạo là một con số những người làm trong ngành như chúng tôi không ai nghĩ sẽ đạt được.
Sự nỗ lực của những ngành hàng kể trên đã giúp cho bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 có rất nhiều gam màu sáng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 10,5% với kim ngạch đạt 371,3 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Điều đặc biệt, xuất khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ” tỷ đô và chục tỷ đô. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Mục tiêu nào cho năm 2023?
Năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều biến động, phức tạp khó lường. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nhận diện đúng và trúng thách thức để linh hoạt ứng phó.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, năm 2023 ngành Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD. Theo ông Giang, ngành Dệt may hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu này.
Thứ nhất là do các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Thứ hai là doanh nghiệp tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Thứ ba là đa dạng hóa được các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô (cũ), thị trường châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam.
Từ phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, Tổng công ty May 10 đang tập trung vào 3 mặt hàng chính là thời trang công sở, gồm có sơ mi, veston; các dòng hàng áo khoác; hàng dệt kim. Trong 3 chủng loại này, hiện nay, thời trang công sở vẫn đang duy trì được đơn hàng. Đây sẽ là mặt hàng tiêu thụ tốt thời gian tới, kể cả khi tình hình lạm phát có dấu hiệu gia tăng.
Với các mặt hàng nông sản như rau quả hay gạo, các chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục có những tín hiệu khả quan. Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ, về triển vọng năm 2023 chúng tôi dự báo sẽ xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục khả quan bởi lương thực là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu.
Bên cạnh đó, với giá gạo cao vào cuối vụ và đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ tạo đà thuận lợi để các doanh nghiệp đàm phán hợp đồng cho năm sau và rất Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngành hàng nông sản cần phải bảo đảm vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa và công nghệ bảo quản. Đối với mặt hàng trái cây tươi thì cần phải thu hoạch, xử lý, vận chuyển từ trang trại tới nhà máy trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, các khâu trong quy trình cần phải khớp với các mốc thời gian để truy xuất được nguồn gốc, giúp chứng minh được chất lượng cho các bạn hàng.
Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, Bộ Công thương xác định các chính sách sẽ tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Theo Nhandan.vn