Các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hôm nay 17/4, nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về khả năng đóng băng sản lượng. Đây là một trong những nỗ lực nhằm khôi phục giá dầu thế giới sau khi mặt hàng này sụt giá mạnh thời gian vừa qua.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran - hai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang có nhiều bất đồng sâu sắc, đe dọa phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán. Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định nước này không tham gia kế hoạch "đóng băng" sản lượng chừng nào Iran chưa khôi phục được mức sản lượng như trước khi bị cấm vận.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Hãng Bloomberg ngày hôm qua, Thái tử Mohamed bin Salman, nhắc lại rằng Saudi Arabia sẽ không "đóng băng" sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự. Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, ông Ali al-Naimi từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Natig Aliyev hôm nay xác nhận bản dự thảo thỏa thuận của các nước xuất khẩu dầu sẽ đóng băng sản lượng ở mức hiện tại đến tháng 10 năm nay. Sau đó, các nước sẽ tổ chức một cuộc họp nữa ở Nga về vấn đề này.
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh điểm 110 đôla một thùng hồi tháng 6/2014 do lo ngại cung vượt quá cầu. Giá dầu sụt giảm khiến các nước sản xuất dầu bị thiệt hại hàng trăm tỷ đôla, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn. Hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ ở Đôha và nhất trí không tăng sản lượng để ngăn giá dầu tiếp tục giảm. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, rất ít hy vọng thỏa thuận Doha lần này sẽ giảm mức sản lượng hiện tại.
Ông Spencer Welch, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Hãng dự báo và phân tích kinh tế tài chính hàng đầu thế giới IHS IHS Global Insight cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy được một số điều sẽ được nhất trí trong thỏa thuận. Nhưng trên thực tế, nó không có nhiều ý nghĩa bởi dù có đóng băng sản lượng ở mức hiện tại, thì thị trường dầu mỏ cũng đã quá dư thừa nguồn cung. Đó là chưa kể nhiều khả năng họ sẽ không đạt được bất cứ thỏa thuận nào và điều đó sẽ tác động tiêu cực đến thị trường”.
Trước cuộc họp ở Doha, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Về mặt lý thuyết, nếu cuộc họp này đạt được thỏa thuận nhằm khống chế mức dầu xuất ra thị trường, tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ giảm bớt giúp đẩy giá bán dầu tăng, cải thiện nguồn tài chính của các nước sản xuất dầu./.
Theo Thùy Linh/VOV