Dự hội nghị, về phía cơ quan Trung ương có các ông: Nguyễn Đức Cung - Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; Lãnh đạo UBND các địa phương. Dự hội nghị còn có TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP Hồ Chí Minh; Lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội, hội ngành nghề, doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ…
Những cam kết hợp tác đầy tình nghĩa và trách nhiệm
Trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, với phương châm “tự lực tự cường” trong thời đại 4.0 đã không còn phù hợp, mà “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, do vậy việc liên kết, hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh được các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đánh giá là con đường ngắn nhất để vực dậy nền kinh tế - xã hội ở vùng “đòn gánh” miền Trung.
Hơn một năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai chương trình; trong đó phân công cụ thể đầu mối trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã được ký kết lần lượt.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 13/6/2023 về triển khai các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 – 2025; UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 2839/KH-UBND ngày 12/7/2023; UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 3164/KH-UBND ngày 23/8/2023;UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản số 8971/UBND-TH ngày 06/9/2023; UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản số 717/UBND-KTTH ngày 06/02/2024 và cuối cùng là UBND tỉnh Phú Yên có Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 17/4/2024.
Đại biểu chụp hình lưu niệm với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ
Sau khi có các văn bản tự nguyện phối hợp liên kết với những nội dung cụ thể đặc trung cho từng vùng miền, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 3810/KH-UBND ngày 07/8/2023 về phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra 10 nội dung phối hợp cấp vùng, 11 nội dung phối hợp song phương và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị làm đầu mối triển khai thực hiện. Đồng thời, thành lập Tổ Công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng; đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành là thành viên nhằm triển khai có hiệu quả các thỏa thuận được ký kết.
Sau một mùa thu hoạch
Với sự tích cực đồng hành từ hai phía cả lực đẩy và lực kéo, hơn một năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã thực hiện 10/10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10/11 nội dung hợp tác song phương; 01/11 nội dung hợp tác song phương dự kiến thực hiện trong tháng 10/2024. Một số hoạt động tiêu biểu như những quả ngọt đầu mùa được thu hoạch, như: Tổ chức thành công Chương trình kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ năm 2023, diễn ra từ ngày 21 – 24/12/2023, với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến, hỗ trợ nhà sản xuất tiếp cận và xây dựng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Điều này đã góp phần tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, chi phí tìm kiếm nhà cung ứng của doanh nghiệp phân phối, chi phí đưa hàng vào kênh phân phối của doanh nghiệp cung ứng.
Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023 đã thu hút 123 đơn vị tham gia với 500 gian hàng (trong đó 57 doanh nghiệp của 06 tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ) với quy mô 40 gian hàng ở các lĩnh vực nước mắm, yến sào, thủy hải sản khô ăn liền, chả cá, chả mực, rong nho, rượu nho,…; Xây dựng và triển khai Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” trên sàn thương mại điện tử TIKI nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua môi trường thương mại điện tử.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thông tin đến đại biểu đặt câu hỏi quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường như thế nào, để hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
Hội nghị Kết nối doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, công nghiệp năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi. Sự kiện diễn ra từ ngày 06 – 08/7/2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh thương mại và hệ thống phân phối có cơ hội trao đổi, làm việc và hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng địa phương, tìm hiểu nhu cầu hợp tác, phát triển thương mại thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế Thành phố với các tỉnh miền Trung, xúc tiến sản phẩm tiêu dùng tham gia các hệ thống phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện đã thu hút 14 doanh nghiệp của Thành phố tham gia ở các lĩnh vực cơ khí, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, đồ uống,…
Riêng lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số: Viện Công nghệ Nano thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức “Hội nghị Quốc tế về Công nghệ Nano và Ứng dụng - IWNA lần thứ 8” tại tỉnh Bình Thuận. Sự kiện diễn ra từ ngày 09 – 11/11/2023 nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các quốc gia, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano và ứng dụng công nghệ này trong đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.
Có thể nói, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đã triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra, đồng thời xác định được nhiều nội dung hợp tác quan trọng như lĩnh vực nông nghiệp, lao động, y tế, công thương,…, Qua đó, có sức lan tỏa để triển khai hợp tác trong thời gian tới, tạo dấu ấn cho nền kinh tế của từng địa phương.
Lực đẩy và lực kéo đều tăng tốc cho mùa sau
Đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò “kéo” thì các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ cùng ra sức “đẩy”. Sự cộng hưởng này đã diễn ra trong hơn một năm qua và đã chứng minh được tính đúng đắn của nó. Nhìn lại quá trình để thấy những hạn chế và tăng cường “đẩy - kéo” đạt hiệu quả cao hơn cho mùa sau, hướng đến tầm nhìn 2025 - 2050.
Ông Nguyễn Văn Lăng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Becamex Bình Định phát biểu tham luận tại Hội nghị
Nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương trong từng năm và giai đoạn 2024 - 2025 đã được định hình, thống nhất phối hợp triển khai, trong đó đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố; Quảng bá đến người tiêu dùng Thành phố quy mô hơn 10 triệu người; Từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Duyên hải Trung bộ nhằm góp phần thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố; Hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi một số sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh do một số nguyên nhân như: Các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các địa phương chưa nắm rõ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm khi đưa vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi; Chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ về sản phẩm nên chưa đủ điều kiện để đưa sản phẩm vào kinh doanh tại các siêu thị; Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất quy mô hoạt động còn nhỏ, sản lượng cung ứng còn thấp, chưa có bộ phận giao nhận đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…
Văn Thuận