Thứ Sáu, 22/11/2024 14:08:29 GMT+7
Lượt xem: 2457

Tin đăng lúc 12-01-2017

Các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố, mạng chập chờn

Sau khi tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố ngày 8-1 thì đến sáng 10-1, tuyến cáp quang biển Liên Á – IA cũng bị đứt. Chiều tối 10-1, lưu lượng trên tuyến cáp IA đã được khôi phục. Tuy nhiên, dự kiến tuyến cáp AAG sẽ phải đợi tới ngày 27-1 mới bắt đầu được sửa chữa.
Các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố, mạng chập chờn

Từ khoảng 9 giờ 30 sáng 8-1, cáp AAG sụt nguồn, toàn bộ kênh truyền quốc tế trên tuyến cáp này đều bị mất liên lạc, trên cả ba hướng kết nối đi Hồng Công, Singapore và Mỹ. Theo đại diện VNPT VinaPhone, nguyên nhân được xác định do lỗi rò điện và khu vực sự cố thuộc vùng biển Vũng Tàu.

 

Đến sáng 10-1, tuyến cáp quang biển Liên Á – IA bị đứt tại một vị trí gần Hồng Công. Đây là nguyên nhân gây ra mất liên lạc hướng kết nối internet từ Việt Nam đi Hồng Công trên tuyến cáp này. Sự cố đứt cáp IA xảy ra khi mà sự cố rò điện của cáp AAG còn chưa khắc phục xong càng khiến cho kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế gặp nhiều khó khăn hơn.

 

Theo thông tin từ nhà mạng Viettel, chiều tối 10-1, sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển Liên Á – IA đã được khắc phục, lưu lượng trên tuyến cáp này đã trở lại bình thường. Đối với cáp AAG, do vị trí lỗi cáp khá xa, cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km nên dự kiến ngày 27-1 tàu sửa cáp mới tới được vị trí lỗi. Đây là sự cố đầu tiên của cáp AAG trong năm 2017. Năm 2016, đã có bốn lần cáp AAG đứt và bảo trì, lần lượt vào các tháng 3, 6, 8 và đầu tháng 9.

 

Trước đó, ngày 7-1, có thông tin cho biết tuyến cáp APG vừa khai thác đã đứt ở gần trạm cập bờ Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ở khoảng cách gần bờ, việc khắc phục đã hoàn thành sớm.

 

Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), do tuyến cáp quang biển APG chưa được chính thức hoạt động thương mại, nên việc cáp AAG bị đứt vẫn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ truy cập internet của người dùng tại Việt Nam.

 

AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế. Tính đến 2016, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...

 

Tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) được chính thức khai trương từ ngày 6-11-2009 kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Công, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800 km và có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84 Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu 200 triệu USD.

 

Hệ thống cáp quang biển Liên Á cũng là tuyến quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.

 

Trong khi đó, APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển mới được khai thác, có lưu lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á, băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Hiện các nhà mạng đang khai thác ở mức 4 Tbps.

 

Tuyến cáp này có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, đi qua chín quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang