Đến nay, Bộ Công Thương đã xóa bỏ 420/720 mã HS phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý (chiếm 58,3%), chỉ còn thực phẩm và tiền chất thuốc nổ bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, toàn bộ danh mục thực phẩm cần kiểm tra trước thông quan cũng đã cụ thể hóa theo mã HS đến cấp độ 8 số.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thực hiện xã hội hóa kiểm tra chuyên ngành một cách triệt để; áp dụng quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu; bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may trước thông quan, chuyển sang công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật.
Việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với vải, sợi, bán thành phẩm và sản phẩm mẫu, đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu, rút ngắn thời gian thông quan được từ 2,4 đến 3,8 ngày. Đối với thực phẩm nhập khẩu, các đơn vị kiểm tra nhà nước do Bộ Công Thương chỉ định, đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm cho hơn 2.325 lô hàng có đủ điều kiện (giai đoạn 2016-2017), rút ngắn thời gian thông quan từ 12 ngày xuống chỉ còn 2 ngày, những lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ chỉ mất 2 giờ là hoàn thành thủ tục. Đối với mặt hàng thép, doanh nghiệp chấp hành tốt quy định về quản lý chất lượng được giảm kiểm tra, thời gian thông quan rút ngắn từ 3 đến 4 ngày, giảm khoảng 2 triệu chi phí thử nghiệm cho mỗi lô hàng...
Mục tiêu Bộ Công Thương đặt ra là tiếp tục phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành (xét tại mốc thời gian năm 2018 so với 2017 và 2016); tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại nói chung và xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng.
Bộ Công Thương tới đây sẽ ban hành thông tư quy định danh mục mã HS hàng hóa, thời điểm phải kiểm tra chuyên ngành, kế hoạch rà soát hàng năm phù hợp với danh mục mã HS hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định của Bộ Tài chính; sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ đến năm 2020; xây dựng và ban hành phương án cải cách hành chính đối với các thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu; phê duyệt đề án rà soát, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Công Thương đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó ưu tiên đáp ứng tiến độ cải cách kiểm tra chuyên ngành từ nay đến 2020.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xuất nhập khẩu nói chung, kiểm tra chuyên ngành nói riêng theo lộ trình áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia; kiến nghị cấp có thẩm quyền các phương án, giải pháp xử lý nhóm hàng hóa có sự trùng lặp về thủ tục kiểm tra chuyên ngành giữa quy định của Chính phủ giao Bộ Công Thương kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 với quy định của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn về kiểm dịch động thực vật, quy định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về kiểm tra các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đến nay, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm có thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý. |
Theo báo Công Thương