Thứ Ba, 26/11/2024 04:24:15 GMT+7
Lượt xem: 987

Tin đăng lúc 27-09-2021

Cải cách môi trường kinh doanh: Giải pháp chủ yếu giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế

Thời gian qua, việc ra soát, cắt giảm thủ tục kinh doanh đã được thực hiện mạnh mẽ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, năng lực cạnh tranh cũng được nâng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, những biện pháp cải cách môi trường kinh doanh càng cần phải đồng bộ, nhanh chóng và sâu sát hơn với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Cải cách môi trường kinh doanh: Giải pháp chủ yếu giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế
Những biện pháp cải cách môi trường kinh doanh cần phải đồng bộ, nhanh chóng và sâu sát hơn với tình hình thực tế của doanh nghiệp

Làn sóng Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là làn sóng lần thứ 4 đã khiến các doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn. Có tới trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó, các lĩnh vực như: Du lịch, hàng không, dệt may, truyền thông, bất động sản, giáo dục,... bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh giờ đây lại càng được doanh nghiệp mong chờ hơn bao giờ hết.

 

Nỗ lực cải cách được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận

 

Theo báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam được công bố mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rằng, thủ tục hành chính hiện nay đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm, môi trường kinh doanh trở nên an toàn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh đã có xu hướng chậm lại so với các năm trước. Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường thì những biện pháp cải cách môi trường kinh doanh càng cần phải đồng bộ, nhanh chóng và sâu sắc hơn với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

 

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng cao năng lực cạnh tranh, trong đó, mũi đột phá là cải cách thủ tục hành chính. Từ năm 2016 đến 2020 đã có ít nhất đã có 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính, qua đó đã xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con được quy định trong thông tư của các bộ ngành; cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, cùng nhiều quy định hành chính có liên quan đến kinh doanh và chi phí tuân thủ. Chương trình cải cách khá đồng bộ nhưng kết quả thực hiện chưa đạt được như kỳ vọng. Các biện pháp cắt giảm, đơn giản hóa mới chỉ dừng ở những thủ tục, thao tác đơn giản, dễ làm. Cho đến thời điểm này vẫn có một bộ phận doanh nghiệp và người dân cho biết vẫn còn một bộ phận cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Chi phí không chính thức tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn còn tới gần 50% doanh nghiệp vẫn phải chi trả các chi phí này khi thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan công quyền…

 

Tiếp tục cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”

 

Một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay thì việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư.

 

 

Cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp chủ yếu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch

 

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giảm, giản nộp thuế, bảo hiểm xã hội, miễn, giảm phí một số dịch vụ công, giảm, giản nộp tiền thuê đất, dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh hơn...

 

Năm 2021, kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã có sự tiến triển mạnh mẽ hơn với những chính sách liên tục được ban hành như miễn giảm thuế, cùng các quyết sách linh động, kịp thời, phù hợp với tính hình thực tế của các bộ ngành liên quan đã giúp nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 dù còn gặp khó khăn.

 

Trong đó, chính sách miễn giảm thuế đang là một trong những chính sách được triển khai mạnh mẽ và liên tục nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, điển hình là Nghị định 52/2021 vừa được ban hành. So với Nghị định 41/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuế đất cho doanh nghiệp, thì Nghị định 52 mở rộng đối tượng áp dụng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn và cụ thể hơn đối với từng thời điểm, từng loại thuế. Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất đã giúp doanh có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chịu trước nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua của thị trường. Đây được coi là sự tạo thuận lợi mạnh mẽ và dễ thấy nhất cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

 

Có thể thấy, với các chính sách hỗ trợ liên tục được ban hành, những chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục hạn chế, cải thiện môi trường kinh doanh chính là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện thông điệp vô cùng tích cực đó là Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Nó cũng cho thấy, sự nỗ lực, cầu thị và lắng nghe của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Ở phía ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần sát cánh với Chính phủ để đạt được “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang