Thứ Tư, 27/11/2024 09:28:08 GMT+7
Lượt xem: 1092

Tin đăng lúc 27-02-2021

Cải cách môi trường kinh doanh, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2020

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo; khác biệt trong quy định pháp luật vẫn chưa có phương án, giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Cải cách môi trường kinh doanh, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2020
Doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị quyết 02 được ban hành sẽ đi vào thực chất để vực dậy doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Chuỗi Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là Nghị quyết 19 (nay là Nghị quyết 02) được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay. Điều này đã và đang thể hiện rõ sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Qua đó, nhằm góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp sau những cú sốc về kinh tế trong thời gian vừa qua.

 

Báo cáo kết quả cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014-2020 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ)… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo; khác biệt trong quy định pháp luật vẫn chưa có phương án, giải pháp hiệu quả để khắc phục. Điều kiện kinh doanh chứa đựng trong điều kiện kinh doanh…

 

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, duy trì nỗ lực cải cách trước đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

 

Theo đó, Nghị quyết này được soạn thảo trên cách thức rất mới, khi mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 02 năm 2019 được giữ nguyên. Đồng thời, Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chưa hoàn thành vào năm 2021, trong đó có 4 điểm mới về các nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là: giải quyết những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, chúng ta phải tìm kiếm giải pháp khắc phục các quy định pháp luật trong lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Chú trọng phát triển kinh tế số và Chính phủ điện tử-  đây là một xu thế tất yếu và chúng ta cần phải tập trung.

 

“Một trong những điểm mới của Nghị quyết 02 là hướng tới phát triển doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đầu tư kinh doanh bền vững, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu hay về những nhóm đối tượng người lao động yếu thế. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, những giải pháp về tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong cải cách về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Nguyễn Minh Thảo nêu rõ.

 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh cho thấy, cần sự đổi mới từ dưới lên và phải chú trọng vai trò của chính quyền địa phương. Sự năng động và động lực cải cách từ địa phương đang đóng vai trò rất quan trọng.

 

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị quyết 02 được ban hành sẽ đi vào thực chất để là bàn đạp vực dậy doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, khó khăn. Ông Mạc Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần hàng hóa MAC kiến nghị, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp mong muốn những cải cách thủ tục hành chính vượt trội nhằm tạo thuận lợi tạo thông thoáng cởi mở hơn cho các doanh nghiệp.

 

“Để cắt giảm các thủ tục hành chính thì ngoài việc tăng cường đối thoại thì vẫn phải tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá, bởi vì việc này vô cùng quan trọng. Sắp tới, cần có các chương trình hành động thiết thực và cụ thể hiệu quả hơn nữa. Bởi vì hiện nay trong các Bộ thì đều có sự chồng chéo về luật. Do đó, cần có những chương trình hành động và giao trực tiếp cho từng bộ phận để thực hiện một cách trơn tru”, ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến.

 

Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia, dư địa cho cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới vẫn còn nhiều. Vì vậy, trong chiến lược định hướng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2021- 2025 và chiến lược 2021-2030 các Bộ ngành địa phương cần lấy việc cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cùng với đó, để thúc đẩy cạnh tranh cần tăng cường kỷ luật thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang