Thứ Sáu, 22/11/2024 17:20:46 GMT+7
Lượt xem: 3507

Tin đăng lúc 30-10-2015

Cải cách thuế và hải quan vẫn phải nỗ lực rất nhiều

Thông tin phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại “Đối thoại về Chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan” giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 29/10/2015 cho thấy, dù 2 ngành thuế và hải quan đã có những bước tiến lớn trong xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, song vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Cải cách thuế và hải quan vẫn phải nỗ lực rất nhiều
Đối thoại Chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2015

Đối với ngành thuế

 

Đánh giá về hệ thống pháp luật thuế, dẫn kết quả cuộc khảo sát diện rộng tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước trong năm 2014 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện chính sách, thủ tục hành chính thuế, VCCI cho biết, 92% doanh nghiệp nhận xét pháp luật về thuế trong 5 năm lại đây đã chuyển biến tích cực và khá tích cực. Trong đó, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế có sự thay đổi tích cực nhất và giảm được nhiều thời gian thực hiện thủ tục và nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp; 3 sắc thuế khác mức độ cải thiện còn hạn chế là thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, quá trình tiếp cận với các văn bản pháp luật và chính sách về thuế chưa thực sự thuận lợi, dễ dàng. Mặc dù có khoảng 58% doanh nghiệp cho rằng, các thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận, song cũng còn một tỷ lệ lớn doanh nghiệp phản ánh gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về chính sách thuế và pháp luật về thuế. 

 

Thực hiện thủ tục hành chính thuế doanh nghiệp vẫn phải mất trên 15,5 giờ cho công đoạn chuẩn bị hồ sơ và nhận kết quả, khai thuế vẫn lên đến 12 lần/năm (4 lần với doanh nghiệp doanh thu dưới 20 tỷ), thời gian hoàn thuế mất tổng cộng trên 32 giờ chỉ cho quá trình chuẩn bị và hoàn thành thủ tục.

 

Có khoảng 49% doanh nghiệp cho biết vẫn gặp phiền hà về thủ tục hành chính thuế. Khoảng 32% doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế (19% doanh nghiệp Nhà nước, 33% doanh nghiệp dân doanh, 41% là doanh nghiệp FDI). 40% số doanh nghiệp phản hồi điều tra cho rằng họ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả các khoản phí không chính thức (doanh nghiệp FDI là 48%, dân doanh 42%, doanh nghiệp Nhà nước là 29%); trong số doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không chi khoản phí không chính thức, 50% cho biết họ sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, 37% cho biết lo ngại bị kéo dài thời gian làm thủ tục thuế, 15% cho biết công chức thuế sẽ có thái độ không văn minh khi tiếp xúc…

 

Đề cập đến công tác cải cách thuế trong thời gian tới, 86% doanh nghiệp trong cuộc điều tra cho rằng, ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; 71% cho rằng cần mở rộng các hình thức thông tin về cơ quan hành chính thuế và thủ tục hành chính thuế; 50% doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục rút ngắn thời gian hành chính thuế, tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; phải tiếp nhận, giải quyết tốt các phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế. Ngành thuế cần nâng cao năng lực giải quyết công việc của công chức, cải thiện thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ đối với người nộp thuế, giảm phí, lệ phí hành chính thuế và cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người nộp thuế tại nơi làm thủ tục hành chính.

 

Với ngành hải quan

 

Trong lĩnh vực hải quan, VCCI cũng dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp do VCCI và Tổng cục Hải quan phối hợp thực hiện (sẽ công bố chính thức kết quả trong thời gian tới) cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh thủ tục hành chính hải quan còn thay đổi nhiều, thiếu đồng bộ giữa quy trình mới và cũ, thời gian vẫn dài, còn có sự thiếu thống nhất giữa các đơn vị làm thủ tục hải quan mặc dù cùng thực hiện một thông tư mới. Khá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp vướng mắc khi áp dụng Thông tư 36/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

 

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng trước năm 2014 lúc thì yêu cầu xác nhận tờ khai hủy, khi thì yêu cầu bổ sung tờ khai mới có có giá trị VAT tương ứng cho tờ khai hủy cần hoàn thuế VAT, cuối cùng thì báo doanh nghiệp nhờ Cục thuế xác nhận chưa khấu trừ cũng như chưa hoàn, khi có giấy xác nhận của Cục thuế rồi thì bảo doanh nghiệp về nhà chờ vì nơi tiếp nhận đang chờ ý kiến chỉ đạo của “Sếp” (?). Thuế từ năm 2012-2015 vẫn không hoàn được, một số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện thời hạn 275 ngày do một số nguyên nhân khách quan chưa được tạo điều kiện hưởng ân hạn thuế.

 

Áp mã hàng hóa vẫn cón có ý kiến chưa thống nhất trong nội bộ hải quan, hệ thống VNACCS/VCIS vẫn còn một số khó khăn với doanh nghiệp. Thái độ của một số cán bộ hải quan không thực sự hợp tác, thờ ơ với vất vả của doanh nghiệp, còn có hiện tượng “vòi vĩnh”, chưa chịu khó cập nhật kiến thức chuyên môn nên khi giải thích cho doanh nghiệp không phù hợp. Một số nơi hải quan không bố trí cán bộ làm thay công việc hoặc trực nghỉ lễ dẫn đến doanh nghiệp khó khăn khi hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định.

 

Liên kết giữa hải quan với các bộ, ngành, ngân hàng chưa thực sự tốt đã gây ra hiện tượng chậm chễ, nhiều khi lỗi không do doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn bị phạt, vẫn tồn tại có hiện tượng doanh nghiệp phải nộp các khoản chi phí không chính thức.

 

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả thực hiện hệ thống VNACCS/VCIS để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Rà soát lại việc hoàn thiện thể chế, trong đó đặc biệt chú trọng đến Luật Hải quan năm 2014, rà soát các quy định chưa phù hợp trong các văn bản pháp luật đã ban hành để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; đổi mới công tác phối hợp, kiểm tra chuyên ngành hải quan; nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu trong bối cảnh hải quan chuyển mạnh hoạt động từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Chú trọng hơn đến công tác xây dựng lực lượng, nhất là về tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, đạo đức, chuyên môn, kiên quyết loại bỏ những cán bộ có hành vi những nhiễu doanh nghiệp.

 

Với tần suất thay đổi khá nhanh các văn bản pháp luật, ngành hải quan cần thông tin nhanh chóng, kịp thời tới doanh nghiệp tránh tình trạng doanh nghiệp mới nắm được văn bản cũ thì đã bị văn bản mới thay thế; tiếp tục có các kênh đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc và bức xúc từ phía doanh nghiệp; đẩy mạnh liên kết và kết nối đồng bộ với các bộ, ngành liên quan, ngân hàng… để giảm bớt các thủ tục giấy tờ hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp…./.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang