Quy hoạch không gian sống an toàn
Ngay sau khi trận thiên tai lịch sử xảy ra tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), một số nhà khoa học địa chất đã vào cuộc nghiên cứu để tìm câu trả lời chính xác đó là loại hình thiên tai gì, cơ chế hình thành và đặc biệt để bổ sung kinh nghiệm về công tác cảnh báo, dự báo thiên tai. Cộng đồng các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, người dân, nhất là tại các địa phương vừa xảy ra sạt lở, đang dõi theo các nghiên cứu này. Điều đó cho thấy “sức nóng” và tính cấp thiết của việc “giải mã” hiện tượng thiên nhiên phục vụ cho việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Cũng từ trận tai biến thiên nhiên thảm khốc nêu trên, nhiều nhà khoa học khẳng định, khu vực và điều kiện địa hình, địa chất và đặc điểm phân bố dân cư tương tự như thôn Làng Nủ không phải là cá biệt, mà khá phổ biến ở khu vực miền núi Việt Nam. Thêm vào đó, nhiều loại hình sạt lở cùng lúc xảy ra như sạt đất đá, đất chảy, trượt lở đá, trượt lở đất càng nhân lên mức độ tàn phá của thiên tai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất - người đã giúp nhiều địa phương đánh giá nguy cơ trượt lở đất tại các khu vực trọng yếu cho biết, người dân lập làng, bản chủ yếu theo kinh nghiệm và điều kiện sản xuất nên chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của thiên tai, do đó rất nhiều điểm dân cư hiện nay ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương bởi thiên tai sạt lở. Mỗi huyện có cả trăm thôn, bản nằm ở vị trí rủi ro cao như dưới thung lũng hẹp, dưới chân núi, lưng chừng núi, đầu khe suối… Hầu hết các thôn, bản bị trượt lở, lũ quét thời gian qua đã bộc lộ điều đó; các nơi chưa xảy ra cũng rất dễ bị thiệt hại nếu gặp điều kiện mưa lớn - tác nhân gây trượt lở đất đá.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Đức, Trường đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ: “Khi chúng tôi đi khảo sát thôn Làng Nủ, nhận thấy gần đó có những thôn, bản xuất hiện nguy cơ tương tự”.
Từ thực tiễn đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, cần di dời khẩn cấp đối với những khu dân cư bị đe dọa bởi khối trượt có quy mô lớn, từ hàng nghìn mét khối trở lên; với những khối trượt chậm hay khối sạt lở như “mèo cào” thì di dời tạm, nếu thiếu quỹ đất ở cần có biện pháp công trình giữ khối trượt để quay về tái định cư. Vấn đề quan trọng là nhất thiết phải có sự vào cuộc của các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để đánh giá, xác định di dời hay tái định cư.
Với những trường hợp chưa xảy ra sạt lở nhưng có nguy cơ, bắt buộc phải rà soát, bố trí lại dân cư cấp thôn, bản, trên cơ sở đánh giá của đơn vị có chuyên môn về mức độ rủi ro mà cụm dân cư có thể phải hứng chịu từ sạt lở đất, lũ bùn đất, lũ quét. Muốn làm được, cần có hướng dẫn đánh giá rủi ro cấp thôn, bản. Các dự án di chuyển dân cư cần tính tới sự phát triển bền vững, lâu dài cho người dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, Viện Địa chất Việt Nam cũng cho rằng, không chỉ quy hoạch dân cư nơi nguy cơ trượt lở và lũ quét mà cần quy hoạch cả các trường học bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, và Nhà nước đầu tư tập trung những công trình bảo vệ. Với thiên tai sạt lở, nên chọn xây dựng các khu dân cư cách xa ảnh hưởng của sườn dốc, mái dốc.
Nếu khu dân cư bắt buộc sống gần mái dốc, sườn dốc thì cần gia cố bằng tường chắn và lắp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai sạt lở. Với lũ quét, cần quy hoạch không gian sống an toàn, không ở những nơi dòng chảy hướng thẳng vào khu dân cư, có thể quy hoạch sống trên bờ cong nhỏ của suối hay ở một bên bờ cao của suối, xây dựng công trình bảo vệ bờ và phía bờ thấp dành cho sản xuất, canh tác và là không gian thoát lũ.
Cải thiện công tác cảnh báo, dự báo
Trước mức độ dữ dội của sạt lở, lũ quét và hậu quả năm nào cũng gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản, các nhà khoa học cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo rủi ro của sạt lở và lũ quét cần được cải thiện hơn nữa. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, trước hết, cần hoàn thiện nhận thức về các loại hình thiên tai trượt lở, lũ quét bởi thực tế không phải các nhà chuyên môn và quản lý đều tường tận vấn đề này.
Thứ hai, cần có hiểu biết tốt hơn về mối tương tác giữa các loại hình thiên tai, bởi thiên tai mang tính dây chuyền, và vì thế mức độ nguy hiểm càng nhân lên, thí dụ, trượt lở có thể gây ra lũ quét, lũ bùn đá với mức tàn phá dữ dội. Khi nhận thức đầy đủ mới có phương án ứng phó phù hợp. Thứ ba, cần sớm ban hành quy định hướng dẫn lập bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét quy mô thôn, bản, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà quản lý.
Khi có hướng dẫn mới huy động được các đơn vị chức năng cùng tham gia nghiên cứu, xây dựng bản đồ theo một nguyên tắc chung để áp dụng hiệu quả cho phòng chống giảm nhẹ thiệt hại. Thứ tư, cần sớm ban hành văn bản pháp luật về phòng chống thiên tai sạt lở và những thiên tai liên quan, trong đó quy định về trách nhiệm dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét, trách nhiệm xây dựng các bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở các tỷ lệ khác nhau.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, nếu có bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét quy mô thôn, bản sẽ giúp cảnh báo thiên tai hiệu quả. Bởi trên tỷ lệ bản đồ 1:5.000, 1:10.000 sẽ chỉ ra được từng con suối, mái dốc, sườn dốc có nguy cơ xảy ra thiên tai, những ngôi nhà sẽ chịu rủi ro khi thiên tai ập đến. Trên cơ sở đó, chuyên gia sẽ tính toán các biện pháp công trình bảo vệ mái dốc, sườn dốc cũng như quy hoạch không gian sống an toàn cho người dân.
Hiện tại, các bản đồ đánh giá nguy cơ thiên tai mà chúng ta đã xây dựng ở tỷ lệ 1:1.000.000, hoặc 1:500.000, hoặc 1:250.000 không thể hiện được những mái dốc, những con suối có nguy cơ sạt lở hoặc lũ quét khi mưa xuống để địa phương cảnh giác. Cũng trên cơ sở bản đồ quy mô thôn, bản này, sẽ xây dựng được các kịch bản rủi ro thiên tai, chỉ ra hướng rủi ro thiên tai đến, hướng thoát hiểm và phương án tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra ở từng thôn, bản.
Cùng với cảnh báo, dự báo của cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng, cần dựa vào người dân ở thôn, bản vì sạt lở mang tính cục bộ, mỗi người dân sẽ là một “cảm biến” quan sát gần nhất, nhanh nhất. Lực lượng tại chỗ này cần được trang bị kiến thức, cung cấp trang thiết bị, tập huấn để biết cách đo mưa, quan sát các hiện tượng bất thường xảy ra chung quanh và phát cảnh báo, cũng như biết cách thoát hiểm khi có thiên tai.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, bên cạnh xây dựng bản đồ cảnh báo về không gian, cần tiến tới nghiên cứu dự báo về thời gian xảy ra thiên tai để hạn chế thiệt hại trong điều kiện thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt.
Theo nhandan.vn