Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) là phương pháp giúp doanh nghiệp hạch toán quản lý môi trường đồng thời đạt được mục tiêu giảm tác động đến môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh. MFCA là hệ thống đo lường dòng chảy và tồn trữ nguyên vật liệu (nguyên liệu, năng lượng, nhân công,…) trong quy trình sản xuất bằng cả đơn vị vật lý và tiền tệ nhằm nhận biết chính xác lãng phí.
MFCA được phát triển lần đầu tiên tại Đức vào những năm 90 của thế kỷ trước. Sau đó, khi ứng dụng tại Nhật Bản, MFCA được điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả với việc phân loại nguyên vật liệu từ nguyên liệu thô và nguồn năng lượng. Với sự điều chỉnh này, MFCA có thể đo lường việc sử dụng nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất bằng cách cân bằng giữa lượng nguyên liệu đầu vào với lượng nguyên liệu đầu ra thể hiện trên sản phẩm, qua đó đánh giá chính xác lượng nguyên liệu đã lãng phí để có kế hoạch cải tiến thích hợp.
MFCA có thể áp dụng cho tất cả các ngành sử dụng vật liệu, năng lượng thuộc bất kỳ loại hình và quy mô nào. Thậm chí, nó còn được cho là có thể thay thế các tổ chức chuyên đánh giá vấn đề môi trường, khan hiếm nguyên liệu...
Khi một doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tính toán thực tế của tổn thất nguyên liệu và các chi phí liên quan, chỉ cần sử dụng công cụ MFCA, doanh nghiệp có thể xác định việc sử dụng nguyên vật liệu và chi phí trong quá trình sản xuất, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
Các doanh nghiệp cần trang bị cho mình cơ sở dữ liệu để thực hiện thành công việc áp dụng MFCA. Cụ thể: thứ nhất, dữ liệu đầu vào: doanh nghiệp cần có thông tin cụ thể, chi tiết về các loại vật liệu sử dụng để tạo ra sản phẩm như nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ, nước và năng lượng. Trong sản xuất, các vật liệu đầu vào được kết hợp tạo ra sản phẩm và một phần sẽ chuyển thành chất thải do hiệu suất sử dụng vật liệu luôn <100%.
Thứ hai, dữ liệu đầu ra: đầu ra trong sản xuất chính là sản phẩm và yếu tố phi sản xuất (còn gọi là chất thải, tổn thất vật liệu). Chất thải là yếu tố phản ánh hiệu suất sử dụng vật liệu trong cả quá trình sản xuất. Trong khi sản xuất, cùng một lượng vật liệu đầu vào sử dụng, nếu lượng sản phẩm đầu ra càng nhiều thì hiệu quả khai thác vật liệu càng lớn, nói cách khác là tổn thất vật liệu càng ít. Qua đó, cần đo lường, tính toán sao cho tỷ lệ % vật liệu tổn thất càng thấp càng tốt.
Thứ ba, trung tâm chi phí: bao gồm 1 hoặc nhiều công đoạn phụ thuộc vào số lượng các vật liệu thiệt hại được xác định ở đơn vị sản xuất. Các trung tâm được sử dụng để tính toán vật liệu trong đơn vị hiện vật và tiền tệ. Việc xác định trung tâm chi phí dựa vào thông tin quản lý sản xuất hiện có.
Thứ tư, cân bằng vật liệu: Trong MFCA, vật liệu đi vào và đi ra trung tâm chi phí phải cân bằng nhau. Các vật liệu bị mất hoặc tổn thất sau khi đi qua trung tâm chi phí sẽ giúp tổ chức xác định được ưu/nhược điểm của vật liệu, từ đó đưa ra các phương pháp cải thiện hiệu quả sản xuất hoặc thay thế bằng các vật liệu khác tối ưu hơn.
Tại Công ty cổ phần kết cấu thép Đại Dũng, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và thỏa mãn yêu cầu đang ngày càng khắt khe từ phía khách hàng, Ban Lãnh đạo Công ty quyết định áp dụng công cụ MFCA. Trong quá trình sản xuất, áp dụng MFCA để kiểm soát nguồn nguyên vật liệu đã giúp giảm thiểu tối đa phần phế liệu chảy ra trong quá trình sản xuất.
Hiện trạng trước khi áp dụng MFCA, các nguyên vật liệu của Công ty như thép thấm, thép hình chưa được kiểm soát chặt chẽ và bị lãng phí, tạo ra sản phẩm sai hỏng, chờ tận dụng và có những sản phẩm không tận dụng được. Ước tính, trong 1 tháng, MFCA giúp tiết kiệm được 117 triệu đồng và 1,4 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp quyết tâm áp dụng quản lý chi phí tốt ngay từ đầu và xác định MFCA là giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Tại Công ty CP Đường Quảng Ngãi, áp dụng MFCA cũng giúp công ty tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần làm tăng lợi nhuận, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chất thải ra môi trường.
Với những lợi ích trên hiện tại, có thể khẳng định, áp dụng MFCA giúp doanh nghiệp giảm lãng phí từ việc cải tiến quá trình sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng bao gồm điện nước, chi phí nhân công, bảo trì, bảo dưỡng và các chi phí phát sinh khác.
Nguồn: VietQ.vn