Đây là giải pháp do nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ý (Istituto Italiano di Tecnologia) do TS. Ivan Ilic và Mario Caironi dẫn dắt phát triển, hiện vẫn đang ở giai đoạn proof-of-concept (chứng minh tính đúng đắn của khái niệm), và kết quả được công bố trên tạp chí ACS Sensors.
Thiết bị cảm biến bao gồm hai điện cực – dương (anode) làm bằng ma-giê (Mg) và âm (cathode) bằng vàng, được ngăn cách bởi dung dịch điện phân đông lạnh. Dung dịch này chứa muối và chất điện phân từ nước ép nho, táo, dưa,…Tất cả thành phần hiện được bọc trong một lớp sáp ong. Miễn là dung dịch điện phân còn đông lạnh sẽ không có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên, khi bị tan chảy, dung dịch cho phép các electron di chuyển từ dương cực sang âm cực và sản sinh ra dòng điện. Dòng điện này lại làm đổi màu dung dịch, chẳng hạn từ đỏ tím sang xanh lam (đối với nước ép bắp cải) và trạng thái đó được giữ nguyên ngay cả khi dung dịch điện phân bị đóng băng trở lại. Nhiệt độ tan chảy dao động trong khoảng từ 0º C đến -50º C (32º F đến -58º F).
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng khi hoàn thiện thiết bị sẽ ở dạng mỏng nhẹ, rẻ tiền cho mục đích sử dụng một lần và có thể được ứng dụng trực tiếp cho các mặt hàng thực phẩm.
Theo VietQ