Luật đã có những quy định cụ thể
Điểm a, Khoản 1, Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 quy định rõ hành vi bị cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Lừa dối, hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, xuất xứ hàng hóa, thời hạn sử dụng, phí, chi phí, phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán. Bên thứ ba có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
Trong giao dịch trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hiển thị đầy đủ, minh bạch thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp, bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm, bao gồm: Ngày, tháng, năm sản xuất; thời hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy; tiêu chuẩn kết quả cần đạt được trong cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung thông tin trên nền tảng số trung gian; tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Người dân Thủ đô và cả nước cần cẩn trọng với những quảng cáo cafe insulin giống như thuốc chữa bệnh tiểu đường
Bên cạnh những quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, còn những quy định trong các Nghị định, Bộ Luật khác như: Khoản 5, Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định, hành vi quảng cáo không đúng, hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Thị trường thương mại điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo các chuyên gia ước tính, thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt doanh thu khoảng 20,5 tỷ USD; chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với 74% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300 -320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD. Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…
Người tiêu dùng Hà Nội nên cẩn trọng với những quảng cáo sản phẩm SUPRO giúp ổn định đường huyết trên một số trang facebook
Như vậy có thể thấy, thương mại thị trường điện tử vẫn sáng, mang lại nhiều cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã thực hiện quảng cáo bán hàng và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, không ít cá nhân, doanh nghiệp đã đưa thông tin quảng cáo gây nhầm lẫn, đánh vào nhu cầu của người tiêu dùng để bán hàng.
Dễ nhận thấy nhất là các loại quảng cáo hàng hóa như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo, bán trên mạng. Hiện nay, không thể thống kê đuợc có bao nhiêu trang facebook, youtobe, zalo, gian hàng trên các chợ mạng,… đang quảng cáo bán sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm như thuốc chữa bệnh. Nhất là khi có nhiều trang không công khai địa chỉ, hoặc công khai địa chỉ ảo. Việc thực hiện quảng cáo, bán hàng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng tại các trang mạng này rất tinh vi, bài bản. Bên cạnh việc sử dụng thông tin y học, các trang mạng này có có các clip quảng cáo chuyên nghiệp, sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ, người nổi tiếng để thu hút người mua. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức này còn thuê những diễn viên không chuyên, đóng giả bệnh nhân để nói về sản phẩm. Cá biệt, có người còn xuất hiện ở nhiều clip, nhiều trang mạng bị các bệnh khác nhau, quảng cáo cho nhiều sản phẩm. “Câu thần chú” bán hàng cho người tiêu dùng tại những trang mạng này là “cam kết khỏi 100%”.
Những năm qua, các cơ quan quản lý đã thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng trăm doanh nghiệp, sản phẩm quảng cáo bán hàng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; không ít doanh nghiệp đã bị phạt, bị bắt gỡ bỏ nội dung quảng cáo, bị đình chỉ, thu hồi,... Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt. Một trong những điều khó khăn cho các cơ quan quản lý là đại diện không ít doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo quá đà, gây nhầm lẫn đều khẳng định không có, không thực hiện những quảng cáo gây nhầm lẫn?
Để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng, nhất là các loại mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bên cạnh sự vào cuộc, xử lý nghiêm các cá nhân kinh doanh gian dối, người tiêu dùng cũng nên trang bị cho mình kiến thức mua hàng trên mạng; đồng thời cần kiểm tra, kiểm chứng thông tin; không nên vội vàng tin vào những quảng cáo để mua hàng.
PV