Qua các vụ việc, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là mời chào nạn nhân vay vốn với nhiều ưu đãi như: Cam kết hỗ trợ ngay cả trường hợp đang có nợ xấu; thủ tục đơn giản không qua thẩm định; giải ngân trong vòng 1 giờ; hạn mức cho vay lớn; lãi suất thấp; làm việc tại nhà… Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay.
Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng sử dụng con dấu giả của các ngân hàng, gửi thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng và yêu cầu đăng nhập ứng dụng để giải ngân. Tuy nhiên, sau đó đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay… Thực tế sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào và mất toàn bộ số tiền đã nộp theo yêu cầu.
Cụ thể, theo thông tin từ Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, ngày 26/4/2022, đơn vị tiếp nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Văn A. (SN 1997, quê Vĩnh Phúc) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay 70 triệu đồng, anh A. đã tải ứng dụng “Vay tiền VPS CASH” nhưng không rút được tiền. Sau đó, có một đối tượng gọi điện cho anh. giới thiệu là là nhân viên công ty cho vay tiền và yêu cầu anh đóng phí 35 triệu để kích hoạt gói vay tiền. Sau khi chuyển tiền anh vẫn không rút được khoản tiền vay từ ứng dụng trên, lúc này mới biết mình bị lừa.
Ngày 19/6, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của anh N.V.T. (SN 1971, ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc anh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo đơn trình báo, anh T. cho biết: Do có nhu cầu vay tiền, anh đã lên mạng để tìm kiếm thông tin, sau đó anh được một đối tượng liên hệ, hướng dẫn chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng thì anh mới được “giải ngân” khoản vay. Sau khi chuyển tiền, anh kiểm tra thông tin thì biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Ngày 01/7, chị Nguyễn Thị T. (SN 1983, trú tại quận Long Biên, Hà Nội), đã đến cơ quan Công an trình báo, do nhu cầu làm việc tại nhà, chị vào facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà. Khi thấy thông tin quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online trên facebook chị T. đã tham gia. Quá trình thanh toán 4 đơn hàng đầu thì chị nhận được số tiền 900.000đ. Tuy nhiên, bằng các hướng dẫn của kẻ lừa đảo, từ “nhiệm vụ” lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị đã chuyển 1,2 tỷ đồng cho đối tượng nhưng sau đó không nhận lại được tiền.
Theo các cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo thường nhắm tới là những người như: Phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, hiện ở nhà không có việc làm… có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập nên đã bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện các đối tượng lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công Du